DIỄN ĐÀN KỸ THUẬT VIỆT ĐỨC - KIỂU MẪU
CHÀO MỪNG CÁC BẠN TRỞ VỀ MÁI TRƯỜNG XƯA ...

Join the forum, it's quick and easy

DIỄN ĐÀN KỸ THUẬT VIỆT ĐỨC - KIỂU MẪU
CHÀO MỪNG CÁC BẠN TRỞ VỀ MÁI TRƯỜNG XƯA ...
DIỄN ĐÀN KỸ THUẬT VIỆT ĐỨC - KIỂU MẪU
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

CÒN GẶP NHAU...

Go down

CÒN GẶP NHAU... Empty CÒN GẶP NHAU...

Bài gửi by huynhminhthanh 20/3/2009, 23:51

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời

Còn gặp nhau thì hãy cứ thương
Tình người muôn thuở hãy còn vương
Chắt chiu một chút tình thương ấy
Gửi khắp muôn phương mọi nẻo đường

Còn gặp nhau thì hãy cứ chơi
Bao nhiêu thú vị ở trên đời
Vui chơi trong ý tình cao nhã
Cuộc sống càng thêm nét tuyệt vời

Còn gặp nhau thì hãy cứ cười
Cho tình thêm thắm ý thêm tươi
Cho hương thêm ngát đời thêm vị
Cho đẹp lòng tất cả mọi người

Còn gặp nhau thì hãy cứ chào
Giữa miền đất rộng với trời cao
Vui câu nhân nghĩa tròn sau trước
Lấy chữ chân tình gửi tặng nhau

Còn gặp nhau thì hãy cứ say
Say tình say nghĩa bấy lâu nay
Say thơ say nhạc say bè bạn
Quên cả không gian lẫn tháng ngày

Còn gặp nhau thì hãy cứ đi
Đi tìm chân lý lẽ huyền vi
An nhiên tự tại lòng thanh thản
Đời sống tâm linh thật diệu kỳ


Tôn nữ Hỷ Khương


Được sửa bởi huynhminhthanh ngày 21/3/2009, 00:03; sửa lần 1.

huynhminhthanh
Members

Tổng số bài gửi : 918
Age : 68
Reputation : -1
Registration date : 26/02/2008

Về Đầu Trang Go down

CÒN GẶP NHAU... Empty Hiện Tượng Thơ TÔN NỮ KỸ HƯƠNG.

Bài gửi by huynhminhthanh 20/3/2009, 23:56

Có thể nói,
nhà thơ Tôn nữ Hỷ Khương đã tạo nên một hiện tượng thơ. Nhiều tập thơ của bà được in
với số lượng lớn. Nhiều nhà sách in thơ bà rồi trả nhuận bút bằng… thơ. Lời hay
lỗ không biết nhưng năm 2004, Nhà xuất bản Trẻ in tập Hãy cho nhau. Năm 2005 in
tập Nước vẫn xanh dòng rồi tái bản Hãy cho nhau. Năm 2006 công ty Kỳ thư in Thơ
tình và tình thơ. Công ty văn hóa Hương Trang nói: “Tụi tôi vốn dị ứng thơ.
Nhưng xin được in thơ chị Hỷ Khương.” Nhờ vậy, tập Thơ dâng cha mẹ ra đời. Từ
năm 2004 thơ Hỷ Khương được đưa lên lịch. Năm 2008 này có 4 mẫu lịch in thơ bà,
trong đó có lịch block treo, khổ A3 với 31 bài thơ nhỏ viết dưới dạng thư pháp
do công ty An Hảo phát hành. Một nhà sách khác làm lịch bàn in 52 câu thơ. Bài
Thơ xuân tao ngộ làm lịch 7 tờ và công ty Văn hóa Trí Việt làm lịch tờ với bài
Còn gặp nhau…

Và thật bất ngờ, thơ Hỷ Khương được khắc lên đá để chơi, để
tặng nhau và để… bán. Vào một ngày xuân, Hỷ Khương cùng chị em du xuân tới Hội
hoa Xuân tại vườn Tao Đàn. Đang dạo bước giữa người và hoa muôn hồng ngàn tía,
chợt cô bạn reo lên: “Kỷ Khương, coi kìa, thơ mi đó!” Theo tay bạn chỉ, Hỷ
Khương bước lại chỗ bày non bộ. Cùng với những hòn núi tự tạo muôn vẻ là một
dãy những hòn đá cũng nhiều dạng nhiều hình nhưng có một mặt mài phẳng, trên đó
khắc bằng kiểu chữ thư pháp những câu thơ Hỷ Khương, mà nhiều hơn cả là câu Lợi
danh như bóng mây chìm nổi/ Chỉ có tình thương để lại đời! Với vẻ làm dữ, người
bạn hỏi người bán thơ: “Bà có biết thơ này của ai không?” “Dạ biết!” “Sao bà
không đề tên tác giả?” Bà ta còn ấp úng thì bị hỏi dồn: “Làm vầy bà có xin phép
tác giả không?” E bạn quá lời, Hỷ Khương khẽ kéo tay bạn: “Thôi, mi!” Hỷ Khương
không lạ chuyện này. Bà biết gian hàng này là của một vị kiến trúc sư Sài Gòn
cũ. Mấy năm trước, ông ta đã lấy thơ bà viết lên thiếp, lên mành trúc bán. Nay
nghe nói ông ta khắc thơ lên đá đem tới hội xuân, bán 200 đô la một bức, bà thử
đi coi thực hư ra sao. Thấy thơ mình bị chiếm dụng vô tội vạ, lúc đầu Hỷ Khương
cũng bực nhưng trong không khí văn hóa của ngày hội, bà không muốn làm lớn
chuyện. “Thôi mà, cho qua đi mi!” Người bạn nhằn: “Mi… thì cứ rứa hoài. Để rồi
người ta ngồi lên đầu lên cổ!” Nhận ra tác giả thơ, bà bán thơ tới gần, lễ phép
nói: “Thưa, có phải chị là Tôn nữ Hỷ Khương? Vậy thì quả là tôi có lỗi. Thấy
thơ hay quá, tôi khắc vô đá chơi. Nhưng sau nhiều người hỏi, tôi bán. Làm vậy
mà chưa được phép của chị, tôi cũng áy náy... Chị cho tôi sửa sai bằng cách
biếu chị...” Hỷ Khương còn đang phân vân thì người bạn nói: “Vậy thì Hỷ Khương
nhận đi, coi như tiền bản quyền!” Chiều bạn, Hỷ Khương nhận phiến đá Chỉ có
tình thương đem về để trang trọng trong nhà, nơi bà thường chụp ảnh với bạn thơ
và khách quý. Kể với tôi chuyện này, bà Hỷ Khương nói: “Cũng may mà mình không
làm dữ. Người khắc thơ lên đá đem bán và cả ông chôm thơ mình làm lịch, người
là họa sĩ, người là kiến trúc sư, viết thư pháp có tiếng. Hai ông được mời sang
Thụy Sĩ biểu diễn thư pháp. Trong thư pháp mấy ông viết, có cả thơ Hỷ Khương.
Có cô gái thấy thơ thì hỏi: “Hỷ Khương người như thế nào?” Hai ông trả lời “Chị
Hỷ Khương dễ thương lắm!” “Nhờ vậy Hỷ Khương có thêm bạn. Cũng may mà vậy, chớ
mình làm dữ, mấy ông nói đó là bà chằng thì nguy!” Kể tới đây, Hỷ Khương cuời,
tiếng cười rổn rảng của bà như xua đi mọi nỗi buồn phiền.
...
HÀ VĂN THUỲ


Được sửa bởi huynhminhthanh ngày 4/11/2010, 20:37; sửa lần 2.

huynhminhthanh
Members

Tổng số bài gửi : 918
Age : 68
Reputation : -1
Registration date : 26/02/2008

Về Đầu Trang Go down

CÒN GẶP NHAU... Empty Hiện Tượng Thơ TÔN NỮ KỸ HƯƠNG(tt)

Bài gửi by huynhminhthanh 21/3/2009, 00:02

....Sáng nay, 23.12. 2007, trước khi bắt tay viết bài này, tôi
mở máy nhận điện thư thì trong hộp thư hiện lên bài Còn gặp nhau. Bạn tôi, một
võ sư từ nửa vòng trái đất gửi về cho tôi thay lời mừng Noel và năm mới!

Hơn 20 năm trước tôi gặp chị Tôn nữ Hỷ Khương tại nhà nữ sĩ
Mộng Tuyết, đường Nguyễn Trọng Tuyển Sài Gòn. Trong không khí trầm mặc của
Vương giả hương đình còn bâng khuâng hơi thở thi sĩ Đông Hồ, nữ sĩ Mộng Tuyết
cho tôi biết câu hò Chiều chiều trên bến Văn Lâu là của cụ Ưng Bình và Hỷ
Khương chính là nàng quận chúa, con gái bậc vương tôn thi nhân đó. Được cô Bảy
cho đọc thơ xuớng họa của hội thơ Quỳnh Dao mà Hỷ Khương là thành viên trẻ
nhất, tôi nhận ra nàng quận chúa của vương triều cuối mùa là người có hồn thơ,
có tấm lòng nhân hậu. Không hiểu sao, lòng tôi chợt buồn se thắt. Hai người họ,
một già một trẻ yêu thơ này, chỉ là những mầm non cô đơn. Sống làm sao trong
những ngày chói chang nắng gió?

Năm tháng qua đi. Rồi một lúc nào đó, tôi nhận ra, Hỷ Khương
đã tự làm nên hiện tượng thơ. Dù muốn dù không, đó cũng là một hiện tượng. Thơ
Hỷ Khương là chỉ dấu chia thơ Việt thành hai dòng. Một bên là những nhà thơ hàn
lâm, bác học với siêu thực, hiện đại, hậu hiện đại, tân hình thức… ngất ngưởng
trên đỉnh Thi sơn, chen vai thích cánh bước vào Điện Panthéon Giao Chỉ. Một bên
là thơ ca dân dã, tự nhiên nhi nhiên, như con chim thấy lòng vui thì hót. Những
nhà thơ vô danh của dân lân, dân ấp tìm được nàng quận chúa làm người phát ngôn
cho mình: những vần thơ chân chất, hồn hậu. Tôi không dám cho thơ nào cao hơn,
sang hơn thơ nào nhưng hiểu rằng, chính Hỷ Khương tạo nên một định nghĩa của
thơ. Hình như điều này kéo thơ ca gần lại hơn với cuộc đời?

Tới đây, những câu
hỏi nảy sinh: tại sao những người có chỗ đứng rất khác nhau trong xã hội lại
cùng yêu thơ Hỷ Khương? Và bài thơ nào của bà được yêu thích nhất? Câu thứ nhất
phải cân nhắc. Câu thứ hai đạt đồng thuận cao: Còn gặp nhau! Bài thơ không hề
có đổi mới cách tân gì về ngôn từ, vần điệu. Cả đến ý nghĩa cũng xưa như Trái
đất. Bạn và tôi, có lẽ không biết bao lần chúng ta từng nghĩ gần như thế và nói
gần như thế, chuyện tưởng xưa cũ không còn gì để bàn. Nhưng rồi Còn gặp nhau
xuất hiện, chúng ta như tỉnh ngộ mà nhận ra rằng đó là cách đơn giản nhất, chân
thành nhất, nhưng chính xác nhất nói lên niềm sâu thẳm của tâm linh Việt. Và ta
bỗng nhớ ra: ta đã từng nghĩ gần như thế, nói gần như thế! Vì vậy, bài thơ là
của ta, thuộc về ta. Yêu thơ Hỷ Khương cũng chính là ta yêu ta! Điều này lý
giải cho câu hỏi đầu.

Không khỏi có người
cho rằng, chỉ là sự ăn may, bài thơ làm quá dễ, không hề dụng công! Ít dụng
công thì có thể. Ta có thể chưa bằng lòng về đôi chữ nghĩa. Nhưng ăn may thì
không. Hỷ Khương đã dụng cái lớn hơn ngàn lần dụng công: dụng tâm! Có lẽ bà
phải tu cả đời hay nhiều đời nên mới có được tâm phật để nói lên lời phật!

Phải chăng đó cũng là
cái ý nghĩa của sự tồn tại của bà với tư cách nhà thơ trên cõi đời này? Với
những câu thơ đi vào lòng người như vậy, thơ Hỷ Khương đã có hộ khẩu thường trú
nơi cõi vĩnh hằng, giống như những câu Chiều chiều trên bến Văn Lâu của thân
phụ bà. Âu, đó cũng là lẽ công bằng của tạo hóa huyền vi!

Một sáng chủ nhật,
bạn tôi, nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Thị Thanh Xuân, ở tuổi xưa nay hiếm, từ
phía Đông thành phố Sài Gòn gọi cho tôi: “Buồn quá. Mình cảm thấy đời quá chừng
vô nghĩa. Sống như vậy để làm gì nhỉ?!...” Đã trải qua những cảm giác hư vô về
cuộc đời, tôi an ủi bạn. Lát sau bạn tôi nói: “Bà Hỷ Khương tài thật đấy. Làm
sao mà bà ấy sống hồn nhiên yêu đời như vậy được? Mà cuộc đời bà ấy có sung
suớng gì đâu! Phải hàng chục năm nuôi mẹ già ốm, lại thằng con bệnh hoạn. Vậy
mà bà ấy vẫn sống vui. Mỗi khi gặp bà ấy, mình như được xua đi bao phiền muộn!”

Tôi hiểu, trong người phụ nữ nhỏ nhắn mà bạn tôi cảm phục
mang chiều sâu của cả một nền văn hóa.


Sài Gòn, Giáng sinh 2007
HÀ VăN THÙY

*Bài viết được lượt bò một đoạn cho phù hợp nội quy của diễn đàn,xin thành thật cáo lổi cùng tác giả.

huynhminhthanh
Members

Tổng số bài gửi : 918
Age : 68
Reputation : -1
Registration date : 26/02/2008

Về Đầu Trang Go down

CÒN GẶP NHAU... Empty Re: CÒN GẶP NHAU...

Bài gửi by huynhminhthanh 4/11/2010, 20:44

Giữa lúc nhiều nhà thơ đua nhau làm mới thơ, “lạ hóa” thơ thì mấy câu thơ rất đỗi đời thường như một sự buột miệng, một tiếng thở dài, một lời tự nhủ của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương có vẻ như… lạc điệu mà bỗng xuất hiện hằng loạt trên lịch, trên thiếp xuân, trên Agenda và cả thư pháp các loại với đủ mọi chất liệu đá, cát, giấy, lụa… không khỏi làm cho ta phải ngạc nhiên! Có chút gì đó trái ngoe trong thi phú buổi này chăng?

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời…

(Tôn Nữ Hỷ Khương)

Và cứ thế, “Còn gặp nhau…”, “Còn gặp nhau….” lặp đi lặp lại, những lời tuồn tuột tự đáy lòng, có vẻ gì đó như một giật mình, thảng thốt, bùi ngùi trong những buổi hàn huyên giữa những bạn bè gần xa. Thơ như nói, như chẳng hề có chút đẽo gọt, dụng công…- tạm gọi là “thơ nói”- cũng đã có từ xưa xa:

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người tới chốn lao xao…

(Nguyễn Bỉnh Khiêm).

Làm sao mà những câu “thơ nói” đó rung động lòng người, khiến người ta giật mình đánh thót, mà ngộ, ai cũng nhớ, cũng thuộc, và mỗi khi có dịp thì lẩm nhẩm: còn gặp nhau, còn gặp nhau…

Thì ra giữa thời buổi trái đất chỉ còn là một hòn bi xanh, một “thế giới phẳng” nhỏ xíu trong lòng bàn tay, mọi chuyện trên trời dưới biển gì cũng mồn một trước mắt, truyền thông đa phương tiện tràn ngập đến không còn chút thong dong, người người vẫn thấy nhau, vẫn “thơn thớt nói cười” với nhau mà hình như chẳng bao giờ gặp nhau!

Rồi hình như người ta bỗng sực nhớ, bỗng ngộ ra, bỗng cảm nhận được cái mong manh của đất trời, của thiên hà trong ngàn tỷ thiên hà trôi dạt, của kiếp người sương khói trong bối cảnh lạ lùng chiến tranh, dịch bệnh, bão lũ, sóng thần, động đất… triền miên!

Rồi hình như người ta bỗng sực nhớ, bỗng ngộ ra, bỗng cảm nhận sờ sờ trước mắt cơn đại hồng thủy sẽ ập tới vì trái đất nóng lên, con người đua nhau hủy diệt thiên nhiên, môi trường sống của mình, để rồi đâu đâu cũng thấy “những cảnh sửa sang tầm thuờng giả dối/ hoa chăm cỏ xén lối phẳng cây trồng (Thế Lữ) với dừa giả, cau giả, hoa giả, đồi giả, núi giả… !.

Thú vị là những câu thơ dung dị đó của Hỷ Khương được nhiều người thuộc lòng, buộc miệng nói ra… đến nỗi người viết thiệp cũng viết, in lịch cũng in, đục đá cũng đục… mà chẳng cần biết tác giả là ai. Tôi nghĩ chẳng bao lâu nữa nó sẽ trở thành những câu ca dao như “Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân…” bởi thế hệ nào mà chẳng có người trèo lên cây bưởi, thế hệ nào mà chẳng có người kêu lên “Còn gặp nhau…” ?

Có lẽ Tôn Nữ Kỷ Khương mang cái gien của phụ thân, cụ Ưng Bình Thúc Giạ. Những câu hò “Chiều chiều trứơc bến Văn lâu/ ai ngồi ai câu / ai sầu ai thảm/ ai thương ai cảm/ ai nhớ ai mong.. thuyền ai thấp thoáng bên sông/ đưa câu mái đẩy chạnh lòng nứơc non… nhiều ngừơi vẫn thuộc mà vẫn tưởng là một khúc hát dân gian, chẳng nhớ tác giả là ai! Cụ Ưng Bình cũng đã viết nên những câu thơ tưởng như câu nói bình nhật:

Thuở ra sân khấu không làm rộn
Khi hạ vai tuồng ít hổ ngươi!


để nói về một thuở làm quan của mình. Hay:

Biết đủ dầu không chi cũng đủ/
Nên lui đã có dịp thì lui…
lúc ung dung trở gót.


Do đâu mà những câu thơ của nhiều ngàn năm trước trong Kinh Thi vẫn còn làm cho lòng ta xao động? Ấy bởi vì nó nói từ nỗi lòng, “thốn tâm thiên cổ”, nên dù đựơc viết dưới bất cứ dạng ngôn ngữ nào, hình thức nào thì cái hồn của thơ vẫn là cái cảm xúc nhân tình. Hư Chu, ngàn năm trứơc, viết tựa Kinh Thi đã nói: Thơ tại sao mà làm ra? ( Thi hà nhi chi tác dã?) Để rồi trả lời: vì nó là tiếng kêu của cõi lòng!

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui!…

Đỗ Hồng Ngọc

huynhminhthanh
Members

Tổng số bài gửi : 918
Age : 68
Reputation : -1
Registration date : 26/02/2008

Về Đầu Trang Go down

CÒN GẶP NHAU... Empty Re: CÒN GẶP NHAU...

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết