DIỄN ĐÀN KỸ THUẬT VIỆT ĐỨC - KIỂU MẪU
CHÀO MỪNG CÁC BẠN TRỞ VỀ MÁI TRƯỜNG XƯA ...

Join the forum, it's quick and easy

DIỄN ĐÀN KỸ THUẬT VIỆT ĐỨC - KIỂU MẪU
CHÀO MỪNG CÁC BẠN TRỞ VỀ MÁI TRƯỜNG XƯA ...
DIỄN ĐÀN KỸ THUẬT VIỆT ĐỨC - KIỂU MẪU
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

MIỀN KÝ ỨC.

4 posters

Go down

MIỀN KÝ ỨC. Empty MIỀN KÝ ỨC.

Bài gửi by tieusontrangsi 20/10/2010, 18:04

Xin được mở một topic về những bài viết ngắn về những kỷ niệm,những hồi ức được gợi lại từ biết bao điều mà ta thường gặp trong cuộc sống thường nhật,những bài viết sẽ đưa ta về những miền ký ức tưởng đã lãng quên!
Có bạn nào chưa ăn tàu hũ nước đường không?


MIỀN KÝ ỨC. TauHuGanh
Ảnh Thảo Miên

TÀU HŨ GÁNH

"Ai... tàu hũ... hôn...", tiếng rao không vang xa, từ tốn nhẹ nhàng như bước chân của người đàn bà đang oằn trên vai gánh tào hũ. Trưa hè nắng gắt hay ngày đông vẫn thế. Chỉ cần nghe tiếng rao "Ai... tàu hũ... hôn..." là thằng bé bốn, năm tuổi đã chạy ra đường. Vừa kịp gánh tàu hũ của bà cũng dừng lại ngay trước cửa nhà nó. Bà hạ gánh xuống, một đầu gánh là ghế đòn, chén, muỗng, nước đường thắng gừng... đầu gánh kia là chiếc nồi đựng tàu hũ non sáng choang, được ủ cẩn thận bằng lớp trấu dày bao quanh. Mở nắp nồi, bà hớt từng muỗng tàu hũ trắng nõn vào chén. Thằng bé đứng tròn xoe mắt nhìn. Trước mắt nó là bức tranh màu sắc sinh động. Đôi tay bà vừa đậy nắp vung, lại quay qua rưới vào chén tàu hũ một muỗng nước đường thắng gừng. Trước khi được thưởng thức chén tàu hũ béo nhừ, ngọt lịm, thằng bé đã được "ăn" bằng mắt rồi. Nó nhìn không chớp mắt theo từng thao tác của bà.

Bà rút ghế đòn ngồi nghỉ, ngắm thằng bé đang thưởng thức "tác phẩm" của mình. Mắt bà tươi cười, sáng lên những tia yêu thương nhìn đôi má bầu, cái miệng chóp chép của thằng bé. Chắc bà cũng thương thằng bé như đám cháu nội ngoại ở nhà. Bởi trước khi trao chén tàu hũ cho thằng bé, bao giờ bà cũng thêm một tí tàu hũ hay rưới thêm tí nước đường. Thằng bé lúc này sáng mắt vì được mẹ cho ăn tàu hũ, vì gánh tàu hũ của bà, chứ nào biết được ánh mắt bà nói gì, trong lòng bà nghĩ gì.

Người mẹ trẻ đứng nhìn con chan chứa yêu thương. Mẹ vui vì thấy con vui, dù chỉ được ăn món giản dị, quá đỗi bình dân. Thỉnh thoảng, trong những lần con được ăn tàu hũ, người mẹ trẻ cũng ghé ngồi, ăn một chén tàu hũ cùng con. Thỉnh thoảng thôi. Vì lát nữa đây, khi tan vị ngọt của nước đường gừng, hết vị béo của từng muỗng tàu hũ, người mẹ trẻ phải còng lưng may một tấm đệm, ráp bằng tám tấm bao xi măng, thì mới đủ tiền trả cho chén tàu hũ của bà.

Khi thằng bé vào cấp 1, tiếng rao "Ai... tàu hũ... hôn..." của bà đã nhỏ hơn, bước đi của bà đã chậm hơn, gánh tàu hũ như đè vai bà xuống thấp hơn. Rồi mấy năm sau, thằng bé không còn thấy bà gánh tàu hũ đi ngang nhà nó nữa. Bà đã kiếm được nghề khác? Hay bà đang bệnh, không còn đủ sức gánh tàu hũ qua bao dặm đường? Nó không biết. Ba má nó cũng không biết...

...Bao năm đã qua. Thằng bé ngày ấy giờ đã là chàng trai 20 tuổi, đi học xa nhà. Ngần ấy thời gian, cuộc sống biết bao đổi thay. Nhà anh cũng đã thay đổi. Con đường trước nhà cũng đã mở rộng gấp đôi. Đường rộng khoáng đãng nhưng cũng mất đi nhiều thứ. Mất đi sự tĩnh lặng vốn có ngày nào mà nhà anh ai cũng yêu thích. Ba má anh mất đi khoảnh sân tuy nhỏ nhưng có cỏ xanh rậm rì chen lẫn hoa hồng, công trình ba làm để tặng mẹ anh. Còn anh mất đi khoảng sân tuổi thơ, "giang sơn" mà anh từng vẫy vùng làm "hiệp sĩ”, rước đèn trung thu, nhảy lò cò với lũ trẻ con hàng xóm...

Một lần về thăm nhà, đang ngồi chăm chú và để lạc mình trong "thế giới phẳng", bỗng anh sững người vì tiếng rao "Tàu hũ chè... đ...â...y!...". Tiếng rao cao vống, lảnh lót, xé ngang bầu không khí đặc sệt oi bức giữa trưa nắng gắt. Anh như sống lại thời thơ ấu gắn liền với tiếng rao "Ai... tàu hũ... hôn..." của bà lão năm nào. Có lẽ, bán tàu hũ non không đủ sống, không đa dạng mặt hàng nên cô ấy đã phải bán thêm chè. Giọng rao cao vút vì cô còn trẻ. Chiếc nón lá sụp xuống vẫn không giấu được nét nhọc nhằn pha lẫn âu lo. Anh mở cửa định kêu mua thì cô gái đã đạp xe mất hút. Tàu hũ giờ không còn đựng trong nồi, được ủ trấu trong thúng như ngày xưa nữa. Tàu hũ hôm nay được đựng trong bình cách nhiệt, đặt trên baga xe đạp. Hèn chi, anh kêu không kịp!

Rồi một hôm, anh "phục kích" và kêu cô bán tàu hũ chè lại. Anh được ăn một ly tàu hũ tú hụ, cho bõ những ngày "trường kỳ mai phục". Ăn xong anh lặng lẽ vào nhà.

Làm sao nghe lại được tiếng rao "Ai... tàu hữ... hôn..." của bà gánh năm xưa? Làm sao có lại được hương vị ngọt ngào của chén tàu hũ nước đường thắng gừng thời thơ ấu?

Lương Hoài Sơn
tieusontrangsi
tieusontrangsi
Members

Tổng số bài gửi : 176
Age : 70
Reputation : 0
Registration date : 07/09/2008

Về Đầu Trang Go down

MIỀN KÝ ỨC. Empty Re: MIỀN KÝ ỨC.

Bài gửi by tieusontrangsi 21/10/2010, 17:45

Con cò lại bay trên đồng ruộng xanh. Lũy tre cúi xuống ưu tư cùng mùi khói un quen thuộc
(Kim Tuấn).


MIỀN KÝ ỨC. 1_hagiang

MÙI KHÓI RƠM

Mùi khói rơm, tôi chẳng biết tả mùi ấy thế nào, chỉ biết rằng trong ký ức của tôi, đó là mùi của quê hương, của xóm làng, của tình yêu thương đong đầy nơi ngoại. Nơi miền quê xa xôi nghèo khó ấy, tôi đã nhận được rất nhiều thứ từ những ngày lam lũ, những buổi chơi hoang và cả những trò con nít...

Đã lâu lắm rồi tôi không về quê ngoại. Tuổi thơ tôi đã gắn bó sâu đậm với nơi này khiến nhiều lúc nhắc đến kỷ niệm xa xưa là trong ký ức tôi lại hiện ra hình ảnh của những rặng trâm bầu, những buổi chiều thả trâu ra đồng, những lần dầm mưa thỏa thích và có cả mùi khói rơm thơm nồng, ấm áp… Quê ngoại nghèo lắm, người dân nơi đây quanh năm chân lấm tay bùn nhưng làm mãi vẫn không đủ ăn. Nông dân chỉ biết bám lấy ruộng đồng mà sống, làm lúa năm được năm thua, mùa màng thất bát đành chịu, làm đủ ăn là xem ra đã khá. Thế nhưng cũng chẳng ai than vãn gì. Cái cày, con trâu vẫn gắn liền với nghiệp nhà nông của họ. Nhà ngoại thì xem ra khá giả hơn vì có đến một mẫu đất ruộng nhưng bù lại, nhà quá đông nên làm bao nhiêu hết bấy nhiêu, chẳng dư giả gì.

Mỗi lần về quê, tôi thích nhất là được theo mấy dì, mấy cậu (gọi là dì, là cậu nhưng họ chỉ lớn hơn tôi vài tuổi) ra đồng bắt cua, mò ốc. Ốc bươu lúc ấy nhiều vô kể, mỗi khi mưa xuống là chúng lại bò ra đầy đồng. Nếu không bắt kịp thì chỉ một đêm cả vạt lúa đều bị gặm đứt ngọn cả. Mỗi người xách theo một xô, tranh nhau mà bắt, ai cũng cố bắt thật nhiều để lúc về được ngoại thưởng. Riêng tôi, loay hoay mãi cũng chỉ nửa xô là cùng, thế là tôi lại được các cậu san sẻ, nên cuối cùng tôi là người “giỏi” nhất. Ốc bắt về chủ yếu là làm thức ăn cho vịt đẻ, chẳng ai ăn nhưng lắm lúc ngoại lại lựa ra những con thật to dành để kho sả hoặc nướng cho lũ nhóc chúng tôi thưởng thức. Tôi thích nhất là ăn ốc nướng, mùi của nó rất thơm, thịt lại ngọt nữa. Khi ăn, tôi phải gỡ lớp tro bám đen nhẻm cho thật sạch nhưng các cậu cứ bảo: “Tro rơm ấy, dính chút ăn không sao đâu”. Tôi nghe lời, ăn xong, miệng mồm tay chân như "táo tàu". Nhìn tôi, ngoại phì cười, cốc đầu cậu Út vì tội lừa con nhỏ!

Không hiểu sao, tôi thích mùi rơm ấy đến lạ. Đối với tôi, đó là mùi đặc trưng của quê ngoại, không nơi nào có được. Ở đây, nhà nào cũng có một cây rơm to đùng trước sân, vừa dùng để nhóm bếp, vừa là thức ăn cho bò. Mỗi mùa gặt, người ta lại chở rơm về nhà, chất thành đống để xếp cây dự trữ. Mùi rơm mới còn thơm hương lúa ngọt ngào. Nếu rơm ủ lâu hoặc ướt mưa sẽ có mùi hăng hăng nhưng chỉ cần phơi qua một nắng, mùi ấy sẽ mất, rơm lại thơm nồng. Lũ con nít chúng tôi rất hay phá phách. Hễ thấy ụ rơm là y như rằng phải chơi trò cút bắt, nhào lộn, chạy loanh quanh, thậm chí còn lăn lộn trên đó khiến mình mẩy ai cũng đỏ rát vì ngứa. Chiều đến, chúng tôi lại rủ nhau ra giếng nước ngọt đầu xóm xách nước tắm thỏa thích hoặc đợi đến khi trời mưa để vừa tắm mưa, vừa chơi trò bắt ếch. Những lúc ấy, không còn gì vui bằng. Tôi dường như quên hẳn nhịp sống tất bật nơi thành thị. Rồi lũ nhóc chúng tôi lại vác dao đi đào mì, đào khoai mọc cặp bờ đê ven kênh ngoại trồng về ăn. Đứa nào cũng hăm hở đào, mặc cho trời nắng gắt. Có khi chúng tôi đào được bụi mì nặng đến 5 kg, thay nhau khiêng nhưng ai cũng thích thú, chạy thật nhanh về nhà để khoe ngoại. Còn khoai lang thì không có củ to, củ nào cũng lí nhí như dưa chuột. Đó là vì chúng tôi ham... phá chứ dây khoai chưa rụi lá, khoai chưa ăn được. Những “chiến lợi phẩm” ấy chúng tôi mang về nhà để ngoại nấu chè hay làm đủ thứ món ăn chơi. Phần còn lại, chúng tôi giấu vào ụ rơm để tối nướng.

Tôi thích nhất là được ăn món mì nướng của ngoại, vừa thơm, vừa béo. Lúc nhỏ mê chơi, tôi cũng không biết ngoại làm thế nào. Giờ biết rồi cũng thấy đơn giản lắm nhưng về thử làm mãi vẫn không sao có được cái vị quen thuộc. Khoai mì ngoại bào nhuyễn, vắt ráo, cho dừa, đường, muối, mè vào rồi đem nướng trên than. Khi chín, mì chuyển màu vàng, thơm ngọt ngào. Tôi thích nhất là công việc nhóm lửa, nó làm mắt tôi rất cay, phải dụi mãi nhưng không hiểu sao vẫn muốn dành phần. Muốn nhóm lửa phải đốt rơm. Rơm ở đây không thiếu nhưng tìm thứ đốt cho có than mới khó. Lũ nhóc chúng tôi chia nhau đi tìm những chiếc gáo dừa vụn về để đốt, được khoảng 1 thúng là có thể nướng được xửng mì to đùng. Khổ nỗi, mỗi khi nhóm, rơm dễ bắt lửa nhưng cũng dễ tàn. Để than có thể cháy, tôi phải hì hục cả buổi, mặt mày đầy nhọ trông như ông kẹ. Khói có thể làm tôi chảy nước mắt nhưng tôi vẫn thích được ngửi cái mùi ấy, mùi mà ở chốn thành thị không bao giờ có. Nướng xong, chúng tôi lại được ngoại chia phần và bao giờ tôi cũng được phần hơn.

Nhìn miếng mì nướng nóng hổi tự nhiên thấy vui vui vì trong đó có phần lao động của chính mình. Ăn xong, mấy cậu, mấy dì lại nháy mắt ra hiệu có thêm suất tối. Nhớ tới mấy củ khoai giấu dưới ụ rơm, ai cũng cười tinh quái. Thế là tối đến, chúng tôi lại kéo nhau ra ngồi ở một góc khuất trước sân, đốt rơm nướng khoai. Lửa vừa cháy, chúng tôi thi nhau thảy khoai vào và phải giữ lửa cháy suốt. Nhìn ngọn lửa cháy cao có màu xanh đỏ cùng tiếng nổ lách tách từ những hạt lúa còn sót lại đang bung ra như bắp rang, chúng tôi đứa nào cũng thích. Tôi còn nhớ cậu Út còn lén vào bồ lúa của ngoại, xúc ra nửa lon, thảy vào lửa rơm để có “bắp bung” ăn. Chúng tôi lại thi nhau giành lấy những bông bắp trắng đang nở từ lửa rơm, nhặt được không bao nhiêu nhưng đứa nào cũng hí hửng, quên hẳn mấy củ khoai. Đến khi moi lên, có củ bị cháy đen, chỉ ăn được phần lõi trong. Mùi khoai nướng rơm có thể không ngon bằng nướng trên than nhưng đó là trò vui của lũ con nít ở miền quê như chúng tôi. Vừa ăn vừa thổi, chẳng nhớ nổi nó có ngon không nhưng mùi khói rơm quyện vào đậm đà lắm, không quên được. Ăn xong lại tíu tít chuyện trò dưới ánh lửa bập bùng và bày ra những trò chơi trẻ con mà không bao giờ biết chán.

Khi về thành phố, ngoại vẫn gói cho tôi một ổ khoai mì nướng to đùng. Mấy cậu mấy dì thì cứ dúi vào tay tôi mấy củ khoai bảo về thành phố mà nướng. Nhưng tôi biết, sẽ khó tìm ra mùi khói rơm ấm nồng quen thuộc mà mãi cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn lưu luyến...
Vương Minh

tieusontrangsi
tieusontrangsi
Members

Tổng số bài gửi : 176
Age : 70
Reputation : 0
Registration date : 07/09/2008

Về Đầu Trang Go down

MIỀN KÝ ỨC. Empty CHỢ CỦA MÁ.

Bài gửi by tieusontrangsi 23/10/2010, 08:41

MIỀN KÝ ỨC. CHOQUEVN8

Tôi gọi những cái chợ ruộng dân dã này là chợ của má. Bởi nó hiền lành, lam lũ như má, bởi chợ nhỏ nhoi, khiêm tốn như má, nhưng nó mang một cái hồn sâu, mênh mông lắm nên người ta nhắc nhớ hoài, thương hoài như thương... má vậy.

Bất cứ khu chợ thực phẩm nào ở thành phố Cà Mau cũng có một góc nhỏ dành cho người chợ ruộng. Chợ bắt đầu từ tiếng xe lam chở hàng lặc lè, ậm ì trong buổi sớm, bằng tiếng trò chuyện êm đềm, bằng đôi tay oằn, đôi chân mỏi. Chợ bắt đầu bằng những cái bao ni-lông trải ra nền đất. bàn tay nào bày ra đó mấy trái dừa khô, mấy nải chuối vàng, con vịt lạc cạc bên rổ trứng. Trên thúng, trên nia lún phún nhô lên những ngọn rau uống sương cong cong.

Hầu như tất cả rau trái ở quê mình có, ở chợ ruộng có. Từ rau muống, rau lang, mồng tơi, bù ngót đến lá chuối xanh, lá dứa, bó sả, nhúm ớt... Rồi cá, rồi gà, vịt, chuột đồng... Ngày rằm, ngày ba mươi, chợ trang điểm bằng bông trang được cột thành khóm đỏ tươi bán cho những người cúng bàn thờ Phật. Mồng hai, mười sáu, chợ lúc nhúc những chú gà non tơ. Trời hạn, chợ bày thúng rau đắng đất run rẩy xanh cho ta thèm một nồi cháo tống. Bữa nắng chiều, chợ có rễ tranh, mía lau... Mưa xập xoài, chợ lổn nhổn ốc lát bán kèm lá ổi, lá sả. Những con ốc lát vừa cựa mình trở dậy từ đất, thịt cứ ngọt lừ. Cũng cử này, người ta bán xổi rau muống đồng, loại rau muống bị chìm trong nước nhú lên những cái đọt non mềm, cỡ một gang tay, trắng nõn, tưởng như có thể bẻ bằng mắt một cái "bụp" ngon ơ. Mùa nào thức ấy. Nhưng có hôm ta thèm thứ trái mùa lại gặp ở đây thứ trái mùa. Vô tình, chính con người nón rách áo túi cùng những món hàng đã khoác lên cho chợ ruộng một cái áo bình dị, một linh hồn hiền hậu mà rất đỗi thiêng liêng. Thêm vào đó một chút thâm trầm dân dã. Thì có gì dân dã bằng nắm rau càng cua mọc từ chái hè, mấy trái bình bát chín hườm mọc từ hào ranh, rổ đọt lúa hái từ sân trước.....

Chỉ có vậy mà những nội trợ đảm đang mê đắm mê đuối chợ này. Họ mua được nhiều rau tươi, cá tươi, giá lại rẻ do gần như người bán chỉ lấy công làm lời. Họ mua được đầy ắp lòng tin từ bàn tay cần cù của những tấm lòng nông dân chân chất. Và những người xa quê đỡ nhớ quê nhà.

Những người ra chợ Cà Mau đều từ ngoại thành, từ những địa danh như Bà Bèo, Đàn Âm, Nhà Phấn, Tân Thành, An Xuyên vốn có truyền thống trồng rau, đi chợ.. Lọn rau muống giá 150 đồng, nhúm đọt chùm ruột giá 500 đồng, xấp lá chuối 1000 đồng... học cũng tích cóp tháng ngày. Thật ra, nhà nào cũng có một vài công ruộng nhưng "ngồi không ăn lúa kho cũng hết, nên đi bán kiếm ít đỉnh tiền". Khuya sớm gánh gồng đi chợ, chợ tan, các mẹ, các chị về nhà, lua vội vài chén cơm, lại tần tảo quẩy giỏ, cầm dao ra vườn lo buổi chợ mai. Cắt, lặt, rửa, bó lọn... loay hoay cũng đến tận chiều. Bàn tay thấm nước, nhăn nheo, bàn tay tái nhợt. Vậy mà buồn (chắc là nông dân ai cũng buồn kiểu này), họ không định đoạt được giá cả món hàng. Nó có thể rẻ, rất rẻ (mồ hôi có rẻ vậy bao giờ).

Đội rau đi chợ trở thành một công việc đẹp của người nông dân tự đời nào không biết. Tìm được một người đi chợ lâu năm không khó, chỗ này, đằng kia đều có mặt những người dì "tính từ hồi đó đến giờ tui đi đứt cỡ 50 đôi dép Lào". Họ là những người gắn bó máu thịt với cảnh chợ quê này không chỉ vì mưu sinh mà là mối gắn bó thiêng liêng. Không có rau, không đi chợ, đâm... buồn.. Có người lặn lội đi bán từng trái bình bát chín, không đủ tiền đi xe thì đi bộ, "miễn sao đỡ ghiền chợ. Ở nhà buồn tay buồn chân, đi bán, một trăm đồng cũng đỡ một trăm". Những đồng tiền nhỏ nhoi nhưng đầy niềm vui bởi nó được làm ra từ giọt mồ hôi mặn, từ tấm lòng lương thiện, thẳng ngay.

Những chuyến hàng lại ra chợ vào buổi sớm mai.
Nên sáng nay con đứng nhìn và con nhớ má. Ngày xưa, có phải má con mình ngồi đằng kia, trong góc đó? Và con ngồi chồm hổm, mắt ngó về ông già bán kẹo mà tay chắt chiu rổ trứng gà con con. Ôi! Nhớ hồi xưa quá, má há?

NGUYỄN NGỌC TƯ
tieusontrangsi
tieusontrangsi
Members

Tổng số bài gửi : 176
Age : 70
Reputation : 0
Registration date : 07/09/2008

Về Đầu Trang Go down

MIỀN KÝ ỨC. Empty CÒNG LƯNG ĐỜI TÉP.

Bài gửi by tieusontrangsi 24/10/2010, 21:11

Tôi ghiền món tép rim đường ăn với canh khoai từ nóng hổi chan cơm nguội. Chỉ thấy cái màu đỏ au, điểm ít gạch son trên đầu con tép chín thì bụng tôi đã “nghe kiến bò”. Ôi sao mà nó ngon đến ngất ngây

“Ầu ơ… ví dầu… tép tôm vui phận tép tôm. Có đâu dưới thấp mà đòi leo cao!” Mẹ kể rằng, thuở tôi còn nằm nôi, mẹ đã gieo vào trí tôi những lời ru ngọt ngào về đời tôm, phận tép.
Thiếu sữa mẹ, tôi lớn lên nhờ nước cơm pha đường táng và những muỗng cơm búng độn tép rong rang, do chính tay mẹ mớm. Lên bốn lên năm, vào những ngày mưa, tôi thường chơi với mấy chị tép rong. Mỗi lần cất vó, thế nào cha tôi cũng lựa cho tôi vài con tép rong chúa bụng no nóc chùm trứng xanh. Quá nặng, chúng bò lom khom, búng tanh tách. Mẹ đã rửa sẵn cho tôi mấy cái hũ keo. Tôi khoái chí bỏ chúng vào keo, đổ ít nước mưa, nhìn chúng tung tăng. Chơi chán, tôi bắt mấy con khờ liệng cho đám gà mái dầu ăn “lấy vị”. Những con lanh, tôi nhờ mẹ lấy tăm nhang xỏ xâu, nướng than củi, háo hức túc trực cạnh bếp than hồng, hấp tấp xòe mấy ngón tay đen nhẻm ra đếm cho thời gian trôi nhanh hơn. Thịt tép nướng thơm nức mũi, ngọt thanh hơn mía lùi! Lên bảy lên tám, có lần tôi hỏi mẹ:
- Tại sao con tép rong hay bò lom khom? Tại sao nó chỉ lớn bằng đầu đũa?
- Vì nó phải lo bươn chải để nuôi đàn con dại!
- Vậy nó có đi tát nước mạ lúc nửa đêm, bơi xuồng qua vàm giữa trời mưa giông, đi cấy đồng xa khi gà chưa gáy canh ba như mẹ không?
- Chắc có!
- Tội nghiệp nó quá! Thôi từ nay con không xúc tép làm mồi câu cá rô mề, rô phi nữa.
- Vậy còn nồi canh bột nấu với tép rong giã ngọt ngất, rắc ít tiêu nồng, quế thơm dưới bếp tính sao bà? - Thình lình, cha tôi chen vào một câu làm tôi… cứng họng.
- Tội thì tội, mà ngon thì… ăn hả con! - Mẹ tôi đỡ lời. Quả vậy, con tép rong tươi làm kiểu gì cũng ngon! Tháng bảy mưa ngâu, mặt anh Hai, chị Ba tôi ủ dột vì đường quê trơn trợt không đi chơi được. Riêng tôi lại mừng. Bởi trời mưa dầm, tép “chạy” vào thời, đuôi chuột (*) của cha nhiều gấp bốn năm ngày thường. Toàn tép cội (**), cứ mười con đã ôm trứng hết tám. Muốn lai rai với bác Tư cùng chú Bảy, cha dặn mẹ lấy một mớ xào sả ớt, nêm lạt; ăn kèm với rổ dưa chuột, lá me non, chuối chát, đọt cóc, đọt xoài; chấm nước mắm tép dầm ớt chỉ thiên.

Riêng tôi, tôi ghiền món tép rim đường ăn với canh khoai từ nóng hổi chan cơm nguội. Chỉ thấy cái màu đỏ au, điểm ít gạch son trên đầu con tép chín thì bụng tôi đã “nghe kiến bò”. Ôi sao mà nó ngon đến ngất ngây! Cũng tại mấy nồi tép rong của mẹ mà tôi sinh tật bốc vụng! Mà nghĩ cũng hay, nhờ tôi thường chạy trốn trong kẹt bồ lúa ăn vụng tép, nên xương cốt tôi mấy chục năm nay vẫn cứng cáp. Được vậy có lẽ nhờ nhiều lứa tép rong quê mẹ - vùng chiêm trũng Gò Công - đã cung cấp cho tôi một lượng canxi dồi dào.

Còn mẹ, chắc tại mẹ hay nhường mấy con tép chúa cho mấy anh chị em tôi, nên lưng mẹ sớm còng. Tôi vào đại học, mẹ lụm cụm xách giỏ đệm vượt hơn trăm cây số, lên tận Thủ Đức thăm con. Giỏ đệm quà của mẹ có mấy hũ keo tép rong rim đường, chục cái bánh xèo tép bạc và mớ rau non vườn nhà. Kèm theo còn có hũ muối ớt và bốn chai dầu gió. Thưởng thức đồ ăn của mẹ, lũ bạn sinh viên ba miền của tôi khen nức nở.

Đến khi ra trường thì tôi đã dần trở thành “người thành phố”, đã biết thưởng thức nhiều của ngon vật lạ, quên dần những con tép con cua thuở ấu thơ. Nhưng mẹ tôi thì vẫn vậy. Vẫn quanh năm gắn bó với ruộng đồng, vẫn lui cui làm những hũ keo tép để mỗi khi tôi về thăm nhà là có ăn. Một lần mẹ bệnh rất nặng, tôi phải đón lên thành phố để tiện việc chăm sóc. Ngày mẹ vừa mới khỏi cơn bạo bệnh, tôi đút mẹ ít cháo tôm hùm. Mẹ lắc đầu nguầy nguậy và yếu ớt cốc đầu con rồi mắng yêu “Cha mày! Tép tôm theo phận tép tôm. Mới đi làm ở Sài Gòn có vài năm đã học đòi làm sang, dám ăn con tôm hùm bạc triệu. Tép rong, tép bạc quê mình có chỗ nào dở mà mày ghẻ lạnh!”
***
Gió lại lay tàu chuối già, mẹ nhìn con rưng rưng! Chợt nhớ quá ngày xưa…

TẠ TRI

(*): Những dụng cụ dùng bắt tép
(**) Tép lớn.

tieusontrangsi
tieusontrangsi
Members

Tổng số bài gửi : 176
Age : 70
Reputation : 0
Registration date : 07/09/2008

Về Đầu Trang Go down

MIỀN KÝ ỨC. Empty VƯƠNG VẤN NGÒ GAI.

Bài gửi by tieusontrangsi 27/10/2010, 09:36

Đối với nhiều người, ngò gai chỉ là một thứ rau nêm nhưng đối với tôi, nó là cả một “miền nhớ”. Nó gắn liền với hình ảnh mỗi buổi sáng mẹ quày quả chở ngò ra chợ, gắn với những bữa cơm có nồi canh chua thơm lừng cả nhà cùng quây quần bên nhau và biết bao kỉ niệm ấu thơ khó phai mờ


MIỀN KÝ ỨC. NgoGai

Mãi cho đến tận bây giờ, mẹ tôi vẫn tất bật với công việc ấy - công việc bỏ mối ngò gai cho các quán phở vào mỗi buổi sáng sớm. Thu nhập của gia đình không phải chỉ dựa vào gánh ngò của mẹ nhưng không biết tự bao giờ người ta đã quen gọi mẹ là cô Tư ngò gai cứ như cái thứ rau đặc biệt ấy là gánh gạo mưu sinh của cả nhà.

Tôi còn nhớ, lúc nhỏ, sáng nào mẹ cũng chở tôi đi học. Trên chiếc xe đạp cọc cạch, mẹ lại đèo thêm mấy giỏ ngò gai. Cái yên xe bé tẹo không đủ để tôi có thể ngồi thoải mái. Khổ nhất là những mắc gai tua tủa cứ cứa vào chân, vừa đau vừa khó chịu. Thế nên hôm nào mẹ chở ngò càng ít, tôi càng mừng vì chỉ cần treo hai giỏ ở ghi đông xe là được, không choáng chỗ phía sau.

Tôi cũng chẳng biết mẹ bán được bao nhiêu tiền nhưng cứ mỗi buổi chợ tan tầm, trong túi mẹ cũng chỉ còn vài ba nghìn lẻ nhàu nát, nhăn nhúm. Mùa nắng, ngò còi cọc, trổ hoa nên mẹ không hái nhiều, hôm nào mẹ không phải chở ngò ra chợ thì hôm ấy tôi sướng rơn vì được một mình một xe. Nghĩ cũng lạ, nếu không vì cái mùi thơm ngai ngái của nó thì tôi đã phải nhảy cẩng lên vì đám gai tua tủa quanh mép lá mỗi khi nó cựa nhẹ vào chân rồi và chắc cũng chẳng thèm ngồi lên chiếc xe cọc cạch ấy làm gì. Có thể tạo hóa đã công bằng khi cho nó một mùi thơm lạ mặc dù dáng vẻ ngoài có hơi xù xì, gai góc. Mùi thơm của nó quyện vào áo, vào nón, vào tóc mẹ và cả chiếc xe đạp nữa nên lắm lúc vào lớp học, tụi bạn cứ bảo: “Áo mày có mùi ngò gai”. Hình như nó trở thành mùi đặc trưng của tôi thì phải.

Việc bỏ mối ngò cho các chợ khi có khi không nên tiền kiếm được cũng chỉ đủ mua mỗi ngày kí gạo. Thế là mẹ tìm đến các quán phở hỏi thử và bỏ mối cho đến bây giờ. Ai đã từng ăn phở, nhất là phở bò thì bên cạnh rau quế, ngò om, giá ăn kèm thì không thể thiếu vài cọng ngò gai, mùi của nó thơm lừng, làm nên vị phở đặc trưng, ăn mãi không ngấy. Riêng đối với tôi, nó là thứ rau nêm ruột cho món canh chua, thậm chí không cần biết đó là thứ canh chua nấu với gì đi chăng nữa, chỉ cần nêm ngò gai là thích. Nồi canh chua dầu ngon mấy mà thiếu tí rau nêm là xem như hỏng. Nhiều người vẫn thích nêm canh chua bằng rau quế, ngò om hay những thứ khác nhưng hình như vẫn không thể qua ngò gai - cái mùi thơm bát ngát, lan tỏa mà nghe nao lòng. Nhiều lúc chỉ cần thấy thoang thoảng đâu đó mùi ngò gai là lại nhớ, lại thèm nồi canh chua thơm phức.

Lúc nhỏ, những hôm không đi học, tôi thường dậy sớm phụ mẹ nhổ ngò nhưng cứ nhìn bộ dạng lóng ngóng sợ gai đâm vào tay của tôi là mẹ lại phải phì cười. Vả chăng tôi chỉ thích ngửi được mùi ngò vào mỗi buổi sáng sớm mà thôi. Nhìn dáng mẹ lom khom, đưa tay thoăn thoắt nhổ từng bụi ngò mà thương mẹ vô cùng. Tôi thấy rõ những nốt đen chai sần hiện lên trên đôi tay ghồ ghề, gân guốc ấy.

Trước kia, mẹ chỉ trồng vài bụi ngò gai quanh nhà để có rau nêm nhưng sau vài mùa mưa, ngò đâm ra tua tủa, tươi tốt nên mẹ mới nhân thêm mỗi lúc một nhiều. Đến khi nhiều quá không ăn hết mẹ mới chở ra chợ bán, định kiếm thêm ít tiền mua gạo nhưng không ngờ giờ nó lại trở thành thứ rau kinh tế cho cả nhà.

Ngò gai dễ trồng và chịu hạn cũng rất giỏi. Mùa nắng, ngò trổ bông, rụng hạt; đến mùa mưa lại xanh mướt, um tùm, không cần chăm sóc nhiều. Nếu muốn ngò tốt tươi quanh năm chỉ cần bón ít tro trấu cho đất xốp, tơi là được. Thứ rau ấy cũng khá ưa nước nên nếu chịu khó tưới thì mùa nắng cũng như mưa, nhìn những luống ngò xanh rì mà mát mắt. Vì nhà sẵn có trồng ngò nên nhiều lúc nấu gì cần rau nêm là tôi cứ chạy ra ngắt vài lá ngò vào, thế là có thêm món mới. Nếu nấu canh khoai từ, khoai mỡ, không có thứ “rau ruột” là ngò om thì thay bằng ngò gai nồi canh vẫn thơm không kém nhưng ngò gai dùng nêm canh chua vẫn là ngon nhất.

Giờ tôi đang học xa nhà nên lắm lúc vẫn thèm được ngửi mùi ngò gai thoang thoảng từ mảnh vườn nhà, thèm tô canh chua cá lóc mẹ nấu, thèm những buổi sáng được mẹ chở đi học trên chiếc xe đạp cọc cạch toàn mùi ngò… Mỗi lần về thăm nhà, nghe hàng xóm bảo: “Con Thư con bà Tư ngò gai học đại học năm 3 rồi nha!” tự dưng thấy vui vui, vui vì trong tôi có một phần của mẹ - một phần của những bụi ngò gai.


MINH THƯ
tieusontrangsi
tieusontrangsi
Members

Tổng số bài gửi : 176
Age : 70
Reputation : 0
Registration date : 07/09/2008

Về Đầu Trang Go down

MIỀN KÝ ỨC. Empty Re: MIỀN KÝ ỨC.

Bài gửi by danghmai 27/10/2010, 19:44

Tép rim đường và canh khoai từ, canh chua cá lóc là những món khoái khẩu của gia dình Mai. Bên đây cũng có khoai mở đông lạnh, khoai mở tây và của Châu Phi nhưng vẫn không bằng khoai mở tím của VN, và khoai từ thì hoàn toàn không có. Cá lóc đông lạnh thì hơi khó ăn...
Thèm lắm những món ngon dân dã, mộc mạc, nhà quê thật là quê...
Đọc những bài của TSTS anh, nhớ VN quá.....
danghmai
danghmai
Members

Tổng số bài gửi : 86
Location : Canada
Reputation : 0
Registration date : 02/01/2008

Về Đầu Trang Go down

MIỀN KÝ ỨC. Empty Bánh bột nhà quê

Bài gửi by tieusontrangsi 28/10/2010, 17:27

Hi Hoàng Mai!
Vậy Hoàng Mai có thưởng thức món nhà quê dưới đây chưa? Laughing Laughing Món ruột thời thơ ấu của Tiêu mỗ đó!

Bánh bột nhà quê

MIỀN KÝ ỨC. Banhbot

Thật tài tình thay các bà các mẹ, chỉ với chút bột thôi mà làm ra muôn vàn thứ bánh, ăn chơi cũng ghiền mà ăn no cũng sướng. Mà bánh bột phải đi cùng với lá, nào lá chuối lót bánh, lá mít làm khuôn đổ, lá dừa gói bánh, hay với bánh đúc, không có chút màu lá thì chẳng xanh như ngọc thạch.

Bánh cuốn đổi gạo đây, 1 kg gạo 2 kg bánh.”

Bà hàng bánh chít khăn mỏ quạ, nhẹ nhàng đặt cái thúng nhỏ xuống đất, gỡ ra chiếc đĩa nhỏ tráng men những lớp bánh mỏng như lụa. Trên mặt bánh là một chút mỡ hành vàng thơm mời gọi.

Món bánh cuốn có từ khi nào, xuất xứ ở đâu, thật chưa thể giải nghĩa được. Ở Hà Nội, đây thực sự là bánh cuốn vì được cuộn thêm một lớp thịt bằm mộc nhĩ, nêm thêm chút hành củ và nước mắm ngon ăn kèm giò chả.

Ra Huế, bánh cuốn là những cuốn thịt nướng vàng thơm chấm ngập trong thứ nước lèo (tương) béo thơm sóng sánh, món này được gọi là bánh ướt thịt nướng. Rồi còn bánh ướt tôm chấy, bánh tráng mỏng dính, rắc bột tôm, cuốn lại. Tôi còn thấy những người phụ nữ miền Trung ăn bánh không, chấm mắm nêm hay xì dầu dằm ớt vào những bữa lỡ mà tấm tắc khen ngon.

Vào đến trong Nam, bánh được phân biệt rất rõ: bánh nhân thịt, mộc nhĩ hành củ được gọi là bánh cuốn và bắt buộc phải ăn nóng mới ngon, còn bánh không nhân được gọi là bánh ướt. Thứ bánh này được bán kèm một hũ hành tím phi vàng, bóc hết lớp bánh bên trên, cô bán hàng lại thoa thêm một muỗng hành thơm phức lên một lớp bánh trên mặt. Bánh được mua về ăn kèm nước mắm tỏi chua ngọt với giá hấp, dưa leo và rau thơm xắt nhỏ.

Ngày xưa, ở chợ gần nhà tôi có nguyên một dãy mấy bà mấy chị ở khu Hóc Môn lên bán bánh thứ ướt này. Ở thành phố, bánh này càng lúc càng ít người mua nên dần mất hẳn, thỉnh thoảng bán kèm theo hàng bún cho đa dạng mặt hàng mà thôi.

Mẹ tôi hay kể: Ngày xưa ở quê, cứ mỗi khi bà ngoại đi chợ về, cả đám con níu tay mẹ để nhìn qua khe giỏ tìm gói xôi, bịch chè. Ngày nào thấy một gói lá chuối xanh xanh là biết ngay đó là một gói bánh cuốn lá, món quà quê mà cả đám con nít mê tơi. Chị Hai (là mẹ tôi) chạy đi đâm một chén nước tương tỏi ớt, bánh được dỡ ra từng lá cuộn lại, chấm nước tương.

Vậy nhưng món bánh làm tôi nhớ ơi là nhớ là bánh đúc. Thứ quà quê miền Bắc có thể đổ dễ dàng bằng bất cứ loại gạo nào, thứ bánh lúc có màu trắng đục của gạo nguyên chất, lúc có màu nâu một chút của gạo lứt, hay màu xanh ngọc của lá, lúc lại điểm những hột đậu phộng nâu nâu…

Đối với tôi, dù là bánh màu gì đi chăng nữa thì mùi thơm của bánh cũng không thay đổi, lúc nào cũng phải có mùi vôi mới ra bánh đúc. Hồi bà nội tôi còn sống, bà cũng rất thích bánh đúc. Bánh có thể ăn với bất kỳ thứ gì như: thịt bằm, đậu hủ chiên, nhưng cách ăn đơn giản nhất và đúng điệu nhất là bánh đúc chấm mắm tôm. Cứ một nong bánh xắt miếng, đặt cạnh một bát mắm tôm đánh sủi bọt là hợp nhau nhất! Mà bánh đúc phải ăn nguội mới ngon cơ! Không thể ăn nóng, ăn nóng thì bánh chưa săn mặt, không thể nhẩn nha cầm trên tay, khẽ khàng chấm vào bát mắm, khẽ khàng đưa lên miệng thưởng thức vị ngọt của tinh bột hòa lẫn vị béo của dầu phộng và vị mằn mặn của mắm tôm.

Một lần, tôi dẫn cô bạn người Nhật đi ăn món bánh đúc tôm thịt, tôi kể cho cô ấy nghe từ cung cách xay bột bằng cối đá đến đổ bánh, lại phải quậy liên tục sao cho bánh đặc mà lại không khê khiến cô bạn khoái chí ăn một lèo hai bát, nhưng là ăn với mắm chua ngọt, cô ấy chưa dám thưởng thức mắm tôm.

Theo tôi, mấy món bánh miền quê thì cứ trả về cho miền quê, đừng biến tấu làm gì! Đừng thêm thịt thà, cua cáy cho bánh mất đi cái không khí ngày xưa. Thật ra, khi ăn một món quà quê là ăn một miền ký ức miên man. Tôi chỉ mới là 7X, chưa già, không trẻ (con) nhưng vẫn nhớ rất rõ thời tôi còn nhỏ, làm gì có tôm thịt ê hề như bây giờ. Lúc ở quê thì chỉ cần mớ lá mít, lá ổi đem phết lên ít bột gạo khuấy sền sệt, hấp chín.

Mẹ lấy trái dừa rám già dưới gầm giường ra, kiếm cái nắp phén nạo rồn rột, hì hụi thắng nước dừa bồng con, chế lên dĩa bột, chan nước mắm chua ngọt, vậy là ngon muốn chết rồi! Còn “hoành tráng” hơn phải là bánh xèo đổ với tép, ăn kèm thật nhiều rau hầm bà lằng từ lá đinh lăng, lá xoài, lá mận, cải con… chứ không có cả rổ tôm thịt như bây giờ.

Còn người hay hoài niệm như mẹ tôi thì khi ăn bất kỳ bánh bột gì, trong chén nước mắm nhỏ ăn kèm không thể thiếu cái hương vị nồng thơm của tinh dầu cà cuống. Cái cảm giác quẩn quanh bên “đồng chiều cuống rạ” tìm bắt những con cà cuống cái bụng đầy trứng đem nướng thơm phưng phức hay những con cà cuống đực với cái bọc tinh dầu nhỏ xíu xìu xiu nơi bụng chỉ còn trong ký ức, cũng như mấy món bánh bột quê bị đưa lên thành phố, bột bánh vẫn còn đó nhưng cảm giác ngày xưa thì mất hẳn rồi!

"... Ngày xưa ở quê, cứ mỗi khi bà ngoại tôi đi chợ về, cả đám con níu tay mẹ để nhìn qua khe giỏ tìm gói xôi, bịch chè. Ngày nào thấy một gói lá chuối xanh xanh là biết ngay đó là một gói bánh cuốn lá, món quà quê mà cả đám con nít mê tơi..."
Theo Khánh Vân
(Món ngon Việt Nam)
tieusontrangsi
tieusontrangsi
Members

Tổng số bài gửi : 176
Age : 70
Reputation : 0
Registration date : 07/09/2008

Về Đầu Trang Go down

MIỀN KÝ ỨC. Empty Giọt mắm ngày mưa

Bài gửi by tieusontrangsi 30/10/2010, 19:57

MIỀN KÝ ỨC. Nuocmam

Nước mắm ngon dằm con cá liệt
Em có chồng nói thiệt anh hay…


… Giữa trời đất phương Nam sụt sùi trong mưa, tiếng hò đưa loang trên mặt sông vắng khiến lòng người bỗng dưng thấy… ngùi ngùi! Vậy chứ thắc mắc mấy chuyện duyên tình thì ít nhưng… bụng dạ cồn cào vì mấy tiếng “nước mắm ngon” thì nhiều không kể!

Các học giả, các nhà văn hoá từng bàn về “nước mắm Việt” một cách cao siêu: thiếu nước mắm thì chưa thành bữa cơm Việt Nam! Nồi cơm ở đầu mâm và chén nước mắm ở giữa mâm là biểu tượng cho những cái đơn giản mà thiết yếu: cơm gạo là tinh hoa của đất, mắm chiết xuất từ cá là tinh hoa của nước – giống như hành Thủy và hành Thổ là cái khởi đầu và cái trung tâm trong Ngũ Hành. Rồi thì chén nước mắm dung hòa đủ cả ngũ hành : vị mặn (Thủy) của nước mắm, đắng (Hỏa) của vỏ chanh, chua (Mộc) của chanh giấm, cay (Kim) của tiêu ớt, đem đựng trong chén đất (Thổ).v…v…

Riêng “kẻ nhà quê” này thì chỉ biết… ứa nước miếng thòm thèm nhớ cái hương vị vừa độc đáo, vừa nồng nàn quyến rũ của đủ ngũ vị: chua – cay – ngọt – mặn – đắng, lại vừa hài hòa tươi đẹp của ngũ sắc: trắng tỏi – xanh chanh – vàng gừng – đỏ ớt – đen tiêu khi chấm nắm cơm cháy vàng ươm nóng hổi của mình vào chén nước mắm mẹ pha trong bữa cơm ngày mưa bão!

Chỉ cần chén nước mắm pha và nồi cơm nóng hổi thế là đủ thành một bữa cơm quê đậm đà hương vị! Ngày bão, đường vắng chợ xa, thịt cá trở thành… xa xỉ, “sản vật” trong nhà chỉ còn cơm trắng và nước mắm. Vậy mà mẹ tôi, “người nội trợ từ năm 6 tuổi” cũng khéo pha chế thành “món” để hương vị nước mắm “chân quê” ấy ngấm mãi… cả đời tôi! Để lâu lâu vẳng nghe câu hát: “ Muôn đời mắm vẫn đưa hương…” thấy bọn trẻ cười khì khì: “Úi trời, mắm đưa hương… gì mà muôn đời luôn vậy?” lại thấy… thương tụi nó … sao giống mình hồi nhỏ!

Hồi nhỏ, ai mặc áo đẹp, áo thơm mà không… hết hồn khi thấy trên bàn bày món … bánh tráng cuốn thịt luộc chấm nước mắm (hay mắm nêm)! Hồi nhỏ, đứa nào mà không sợ mẹ biểu: “Cu Đen (hay con Mén) đem cái chai ra bà Năm mua nước mắm.” Bởi đứa nào cũng sợ… tuột tay “choang” một cái rồi ăn đòn quắn đít, nhưng “ám ảnh” mãi và đáng sợ nhất là mùi nước mắm… tắm ba ngày không bay!

Nước mắm là hương liệu (nghĩa là… thơm), là phụ trợ chính trong nghệ thuật bếp núc của người Việt mình! Đâu chỉ “sống hòa bình” với các loại gia vị khác, nước mắm phát huy tối đa công dụng trong việc nêm, ướp các món ăn và còn dùng để chấm các thứ rau. Nhưng, phải nghe cụ Vương Hồng Sển nói về cái thú ăn dân dã này mới thấy toát lên cái duyên “chân quê” của nước mắm: “Chúng ta có món mắm và rau, tức là mắm kho rau sống, bông súng nguyên sợi, rau dừa nguyên cọng, nếu xắt nhỏ thì mất ngon, và phải tự tay nắm cả nùi rau, vò lại và ngắt đứt bằng tay, dồn tất cả vào tô, chan ngập nước mắm, và lua vào mồm, nhai nghe sồn sột, má phúng ra, nín thở, miệng mồm choàm ngoàm, đến không thốt được lời nào, và như vậy mới thật là khoái khẩu…”

Đấy, đấy cái “duyên quê” của nước mắm là ở đấy! Trưa hè nực nội, chỉ cần bát nước rau vắt tí chanh, đĩa rau muống luộc xanh rờn rờn, thêm chén nước mắm dầm sấu (theo kiểu người Hà Nội) là đủ rồi! Ngày mưa gió lạnh, để dành được lưng cơm gạo dẻo, chấm nước mắm cốt cũng… no nê! Hay chén cháo trắng cho người ốm, chỉ có hành xanh cùng chút nước mắm hạt tiêu! Hay…

Chẳng dám lạm bàn! Chỉ biết bữa cơm người Việt trên chiếc mâm tròn chẳng bao giờ thiếu “cái nhụy” là chén nước mắm hiên ngang đứng giữa!

Cũng chẳng dám lạm bàn, chỉ thấy từ “cái nhụy” ấy tình yêu thương gia đình nảy nở trong mỗi trái tim người dân “xứ mình”!

Cũng chẳng dám lạm bàn. Vì cái “món” nước mắm sao cứ lam lũ, chân quê như cha mẹ ta mộc mạc. Mà, cha mẹ càng lam lũ, càng mộc mạc, đứa con càng khắc khoải, xót xa thương!

Nguyệt Kim

tieusontrangsi
tieusontrangsi
Members

Tổng số bài gửi : 176
Age : 70
Reputation : 0
Registration date : 07/09/2008

Về Đầu Trang Go down

MIỀN KÝ ỨC. Empty CANH CHUA CÁ LÓC

Bài gửi by tieusontrangsi 31/10/2010, 17:21



Vietnamnet- Xa quê gần mấy mươi năm, vậy mà má không nhớ gì bằng tô canh chua cá lóc ngoại nấu khi xưa. Canh chua cá lóc trong lòng má không còn là một món ăn bình dị thường ngày, mà đã thành con thuyền chở thương, chở nhớ. Má nhắc với tôi về canh chua cá lóc với tất cả yêu thương. Với má, canh chua cá lóc đong đầy tình quê hương xứ sở.

MIỀN KÝ ỨC. CanhChuaCaLoc

Má lấy chồng xa quê hơn nửa vòng trái đất. Ngày má lên máy bay đi xa, ngoại đã khóc rất nhiều. Má nhớ mãi giây phút khi ngoại nắm tay má mếu máo: “Mày qua đó rồi ai nấu canh chua cá lóc cho ăn?”, và má khóc mỗi khi kể lại chuyện đó cho chúng tôi nghe. Còn tôi, vẫn tự hỏi, canh chua cá lóc má nấu ở xứ người và canh chua cá lóc của ngoại có gì khác nhau? Sao má đi đã hơn nửa đời người mà vẫn không thể nào quên?
Tôi đã từng thử một mình làm món canh chua cá lóc. Cũng bạc hà, cũng khóm giá, cũng cà chua với những lát cá lóc xắt vừa như lời má hướng dẫn, nhưng vẫn thấy thiếu một cái gì đó. Và vì vậy mà ăn canh chua cá lóc ở xứ người, cứ thấy lạ lẫm, cứ thấy vấn vương trong lòng câu hỏi về món canh chua cá lóc của ngoại ngày xưa. Thế nên, khi nghe ba má bàn bạc sẽ về thăm Việt Nam, tôi đã hăng hái xin theo. Một phần vì muốn về thăm nơi má sinh ra và lớn lên, hai là muốn nếm thử món canh chua cá lóc tại quê nhà. Và cũng như má, vừa nếm qua món canh chua cá lóc từ bàn tay ân cần chăm sóc của ngoại, tôi đã thấy yêu ngay cái vị chua chua ngòn ngọt của món ăn mang đậm hồn dân tộc này.
Món canh chua cá lóc ngoại nấu là sự giao hòa của màu sắc - cái sắc vàng thơm ngon của hành phi trên mặt nước, cái sắc đỏ của cà chua, màu vàng của khóm, màu xanh của bạc hà, của rau thơm, của ngò gai, rau quế, màu trắng của giá, của thịt cá v.v... bên cạnh là đĩa nước mắm nguyên chất vàng thơm và vài lát ớt đỏ tươi, nhìn đã thấy ngon mắt và... thèm.
Ngạc nhiên hơn khi bên cạnh tô canh chua cá lóc, ngoại luôn bày sẵn thêm một đĩa rau sống với những bông hoa màu vàng ươm mà ngoại bảo là bông điên điển và thêm một ít rau đắng ngoại hái sau hè - những loại rau tôi không thể tìm được nơi xứ người. Thế nên khi thưởng thức tô canh chua ngoại nấu, thấy sao mà ngon, sao mà đậm đà đến thế...
Má bảo ngoại thường dùng me để làm chua nước canh, thêm chút vị của thơm, của cà chua chín mọng... nên tô canh có vị chua rất đặc trưng mà ở chỗ tôi sinh sống không thể nào chế biến được, vì thiếu nguyên liệu và thiếu cả bàn tay khéo léo đảm đang như bàn tay của bà.
Khi làm cá, ngoại không bỏ bộ lòng như những con cá làm sẵn mà tôi và má vẫn hay mua ở siêu thị. Ngoại bảo đó là phần ngon nhất của con cá, còn tôi thì tò mò nếm thử, và bị thuyết phục ngay bởi vị béo, thơm ngon và dai giòn của nó. Để làm cho nước canh có vị ngọt tự nhiên hơn đường và bột ngọt, ngoại dùng cả đầu cá. Ăn canh chua ngoại nấu, ngon nhất vẫn phải ăn cùng món thịt kho trứng ngọt thanh vị nước dừa, món cá rô đồng kho tiêu, hay món cá bống mà cậu bắt được trên sông... Hương vị quê hương dân dã thấm vào từng thớ cá, vào vị chua chua ngòn ngọt của canh... làm nức lòng người thưởng thức.
Tôi yêu cái cảm giác được cùng gia đình quây quần bên mâm cơm bốc khói, vừa thưởng thức những hương vị thơm ngon của món ăn quê nhà, vừa được cười đùa cùng ngoại, cô cậu và các anh chị. Khi đó, món canh chua cá lóc và các món ăn ngoại nấu dường như thơm ngon hơn. Ăn canh chua cá lóc, nhấm nháp vị chua đặc trưng của canh hòa lẫn vị thơm thơm bùi bùi của thịt cá, vị thơm ngọt ngào của rau thơm, rau quế, vì mặn mà của nước mắm nguyên chất, vị, đăng đắng của rau đắng, bông điên điển v.v... thêm chút vị ngọt thanh nước dừa trong món thịt kho trứng, vị cay cay âm ấm của tiêu, của ớt... dường như cả quê hương Nam bộ đang rất gần đây.
Cũng như má, tôi cho rằng ngoại là đầu bếp tài ba nhất. Ngoại nấu ăn ngon hơn tất cả đầu bếp ở một số nhà hàng năm sao mà tôi có dịp ghé qua, vì trong món canh chua cá lóc và các món ăn dân dã của ngoại có thêm tình yêu thương ấm áp ngoại dành cho chúng tôi, có hương vị quê hương đậm đà, ngọt ngào...

Mai Hà

tieusontrangsi
tieusontrangsi
Members

Tổng số bài gửi : 176
Age : 70
Reputation : 0
Registration date : 07/09/2008

Về Đầu Trang Go down

MIỀN KÝ ỨC. Empty Canh chua miền.. hái lượm

Bài gửi by 6hau6 23/7/2011, 11:37

vô tình đọc lại một số bài cũ của bạn bè...cái tiêu đề này hay quá mà tác giả thì biền biệt nơi đâu rồi, thôi thì tạm xin phép đóng góp để tiếp tục cái tiêu đề hấp dẩn này đến mọi người trong lúc tác giả còn lảng du đâu đó.... Razz Razz

Vùng bán đảo Cà Mau (bao gồm hai tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau bây giờ) là vùng đất mới khẩn hoang từ rừng ngập mặn, “tuổi đời” không quá 300 năm nên cuộc sống người dân nơi đây cũng đậm chất “săn bắt, hái lượm” mang dáng dấp hơi bị giống... thời tiền sử. Đàn ông đánh bắt cá tôm, đàn bà hái lượm nấu ăn. Sở dĩ tôi dùng từ “hái lượm” bởi lẽ món canh chua đặc trưng của vùng đất này có được chính là nhờ thành quả “hái lượm” của quý bà nội trợ nhà quê.

MIỀN KÝ ỨC. Canh

Ngày nay, chúng ta bước vào các quán ăn, nhà hàng, nếu gọi món canh chua (lẩu chua) sẽ được chủ nhân dọn ra phục vụ khách món ăn mà vị chua có được nhờ vào trái me chín. Nếu vào những nhà hàng thuộc loại đặc biệt và gọi món chua đặc biệt (đặc sản), khách yêu cầu “đích danh” vị chua nấu từ cơm mẻ thì mới có cơm mẻ, nếu không, khách vẫn phải ăn canh chua me chín. Ít khi khách biết rằng, với dân quê, nấu canh chua với me chín là chuyện “vạn bất đắc dĩ” khi không tìm ra vị chua khác nên mới xài me chín, vì me chín ăn không ngon bằng các vị chua “hoang dã” khác.
MIỀN KÝ ỨC. Cnhm
Miền Tây nổi tiếng kênh rạch chằng chịt, hai bên bờ xanh um cây dừa nước, thì trên bờ, hai bên các con đường đất nho nhỏ dẫn vào thôn xóm, bờ ao, sân đình... nói chung là bất cứ chỗ đất trống nào, đều được dân quê trồng cây me. Me là loại cây gắn liền với đời sống dân quê quanh năm suốt tháng. Ngày bình thường, người ta hái lá me non nấu canh chua. Bắt đầu mùa hè, ngoài lá me non còn có thêm trái me non. Đến khi trái me đã già, mập mạp, bên trong vỏ căng đầy thịt màu trắng xanh, hột me ngả sang màu nâu nhạt, người ta cũng hái trái me già này nấu canh chua. Giữa mùa hè, me chín, thịt me bên trong chuyển sang màu nâu đỏ, vỏ khô giòn tách rời thịt me, hạt me có màu nâu sẫm bóng ngời. Chủ cây me mướn người leo lên cây hái trái me chín đem xuống tuốt hết vỏ, nhào trộn với muối bọt (chống hư, mốc) rồi đóng thành từng bao, từng bao chở ra chợ bán cho thương lái. Đây là thứ me mà dân thành thị hay (phải, bị) dùng để nấu canh chua.

Trái me non, me già muốn nấu canh chua phải cho vào nồi nước sôi luộc cho nó chín trước rồi vớt ra dầm lấy chất chua của nó cho vào nồi canh, bỏ xác. Vị nó chua đằm thắm vừa phải, hơi ngòn ngọt và đặc sệt chất bột của me, mùi thơm đặc trưng hấp dẫn, chớ không chua thé lên như me chín. Canh nấu xong có nước màu trắng đục, nhìn rất hấp dẫn. Trái me già luộc xong đem dầm vô dĩa cá kho mà ăn thì ngon vô cùng. Hồi tôi còn nhỏ, mỗi lần nấu canh chua me luộc, mẹ tôi lại luộc thêm một vài trái me cho tôi ăn chơi. Me luộc chín rất dễ lột vỏ, bóc vỏ nó ra rồi cầm nguyên trái me mà ăn như ăn cây cà rem, vị nó chua chua, ngọt ngọt, bùi bùi, lúc đó tôi thấy me luộc sao mà ngon thiệt là ngon. Ăn xong, lấy hột me lột vỏ ra ăn luôn. Hột me luộc ăn hơi ngòn ngọt, dẻo dẻo, bùi bùi, với trẻ con thời đó, nó là một thứ quà bánh thường ngày, bởi ngoài nó ra thì năm thì mười họa mới được ăn quà bánh khác.

Nếu nhà vắng người, không hái được me, các bà nhà quê lại dạo quanh xóm tìm kiếm hái trái giác, trái bần nấu canh.
MIỀN KÝ ỨC. Cnht
( trái bần)
Bần là loại cây mọc hoang ven kênh, rạch, sông nước lợ, có rất nhiều ở vùng bán đảo Cà Mau. Nó cùng sống chung với cây mắm, đước, sú, vẹt. Trái bần màu xanh, có hình dạng như bánh xe. Khi chín, vỏ trái bần chuyển từ màu xanh đậm sang màu xanh nhạt hơn và ngả một chút vàng vàng, vị chua chua ngọt ngọt. Dân quê vẫn hay lấy trái bần chín cắt miếng mỏng mỏng chấm muối ớt hay mắm ruốc ăn chơi như một thứ quà bánh cho đỡ buồn miệng.
MIỀN KÝ ỨC. Canh3
( trái giác )
Cây giác là một loại dây leo mọc hoang, thường bám theo hàng rào và các loại cây thân mộc khác. Ở thôn quê, dây giác mọc khắp mọi nơi, nhiều lúc nó “xâm lăng” quá, người ta phải chặt bớt cho đỡ vướng. Trái giác nhỏ, tròn tròn như viên bi trẻ con chơi, màu xanh. Vị trái giác khi nấu canh chua và thanh.

Chùm ruột là loại cây thân mộc, có chiều cao và sống lâu năm, được người dân quê trồng nhiều trong vườn nhà để lấy lá non ăn, trái thì nấu canh chua hay làm mứt. Trái chùm ruột hơi giống trái sơ-ri nhưng nó màu xanh, khi chín hơi vàng vàng một chút.
MIỀN KÝ ỨC. Canh4
(chùm ruột hoặc tầm ruột)
Cách nấu canh chua trái bần, trái giác, trái chùm ruột cũng giống như nấu canh chua bằng trái me non, me già, tức là phải luộc chín nó trước rồi đem ra dầm lấy nước chua đổ vô nồi canh, xác bỏ đi..
Rau nấu canh chua ở quê cũng là thứ rau “hái lượm”. Mùa mưa, dân quê bước chân ra ngoài là có thể hái rất nhiều thứ rau đồng mọc hoang như: rau nhút, rau muống, cù nèo, v.v...
Mùa nắng, phần lớn nước ngoài đồng đã cạn khô, ao nào lớn thì còn chút nước (có rau muống), ao nhỏ là khô rang tới đáy. Lúc này, người ta nấu canh chua bằng cọng bông súng (hoặc lá bông súng non), bông (lá non, trái non) so đũa, bắp chuối, thân cây chuối non xắt mỏng (kêu là chuối ghém).

Nhiều người biết canh chua bông so đũa cơm mẻ là món ăn dân dã mà ngon nổi tiếng ở miền Tây. Mùa hè so đũa trổ bông đầy cây, dân quê hái bán đầy ngoài chợ. Nhưng ít ai biết đọt cây so đũa non và trái so đũa non đem xào tép còn ngon hơn đậu đũa xào tép, mà đem nấu canh chua cơm mẻ càng ngon, hơn cả nấu bằng bông so đũa. Người nhà quê quý cây so đũa. Thân cây so đũa để trồng nấm mèo (mộc nhĩ), lá cây so đũa để nuôi dê. Lúc thắt ngặt có thể đốn cây, đập bỏ vỏ ngâm xuống ao vài tháng lôi lên dùng cất nhà. Vỏ cây so đũa còn tươi giã nhuyễn lấy nước rơ miệng cho trẻ sơ sinh. Vì vậy, làm gì có lá non, trái non dư tới mức đem ra chợ bán. Lúc nào ở xóm đốn hạ một cây so đũa xuống, cả xóm mới có dịp xúm lại hái hết đọt non, trái non đem về nấu canh. Hoặc lâu lâu chủ cây so đũa buồn buồn xách cái cần móc tre dài móc xuống một mớ đọt non, trái non nấu canh ăn cho đỡ thèm.

MIỀN KÝ ỨC. C7841nh

Thêm vài con cá rô, cá lóc, hoặc vài nắm tép, là có thể nấu được nồi canh chua “hái lượm” thơm lừng hấp dẫn mà dân thành thị có ao ước đến nhỏ dãi cũng không có mà ăn.
Ngoài ra, dân quê tôi còn nấu canh chua bằng khế chua, khóm xanh để lấy vị chua của nó cho nồi canh, không cần phải thêm me vào mà nước canh vẫn chua đậm đà. Tuy nhiên, tôi không liệt kê canh chua khế, khóm vào danh sách canh chua miền hái lượm vì phải... mua.
MIỀN KÝ ỨC. Canh6

Bán đảo Cà Mau còn nổi tiếng bởi rừng tràm U Minh. U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang, U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau. Vùng đất “trên cơm dưới cá” này dễ dàng kiếm cái ăn như vậy, nhưng thật không ngờ, người dân ở đây có lúc lại bị đói, phải húp cháo thay cơm. “Không chỉ đói mà là đói quay quắt. Những ngày này, mười nhà thì hết hai, ba nhà ăn cháo cầm hơi, lay lắt qua ngày” (Tuổi Trẻ ngày 28/10/2008).
Cái đói xảy ra không phải do thiên tai, địch họa, mà bởi nhân họa. Thật xót xa!

Theo: Tạ Phong Tần



6hau6
6hau6

Tổng số bài gửi : 428
Age : 67
Location : WISCONSIN ,USA
Reputation : 1
Registration date : 31/01/2009

Về Đầu Trang Go down

MIỀN KÝ ỨC. Empty Re: MIỀN KÝ ỨC.

Bài gửi by TDT 24/7/2011, 00:47

Chỉ cần đọc vài món thôi thì nguyên cái bàn phiếm ..... ướt nhẹp rồi ... Thèm quá đi thôi !!! Very Happy

TDT
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 242
Location : USA
Reputation : 0
Registration date : 01/01/2008

Về Đầu Trang Go down

MIỀN KÝ ỨC. Empty Re: MIỀN KÝ ỨC.

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết