DIỄN ĐÀN KỸ THUẬT VIỆT ĐỨC - KIỂU MẪU
CHÀO MỪNG CÁC BẠN TRỞ VỀ MÁI TRƯỜNG XƯA ...

Join the forum, it's quick and easy

DIỄN ĐÀN KỸ THUẬT VIỆT ĐỨC - KIỂU MẪU
CHÀO MỪNG CÁC BẠN TRỞ VỀ MÁI TRƯỜNG XƯA ...
DIỄN ĐÀN KỸ THUẬT VIỆT ĐỨC - KIỂU MẪU
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

50 năm 1 tình bạn

2 posters

Go down

50 năm 1 tình bạn Empty 50 năm 1 tình bạn

Bài gửi by Quang74CKO 4/7/2012, 20:44

50 năm 1 tình bạn 50nam

Quang74CKO

Tổng số bài gửi : 673
Age : 65
Reputation : 0
Registration date : 14/05/2012

Về Đầu Trang Go down

50 năm 1 tình bạn Empty Re: 50 năm 1 tình bạn

Bài gửi by monkey58 17/7/2012, 10:40

Cảm nhận......

Căn bệnh tim mạch của tuổi già kéo họ về với nhau, trong cùng một phòng sau bốn mươi năm xa cách.
- Bà!
- Ông!
Họ bật gọi nhau trong phút giây chung sửng sốt. Bốn mươi năm qua đi, mắt đã mờ, chân đã chậm, hình hài hầu như thay đổi hoàn toàn nhưng họ vẫn nhận ra nhau, còn khi nhìn vào trong mắt, ánh nhìn vẫn sáng lên, ấm áp và dịu dàng.
Họ sống ở hai thành phố nhỏ. Thành phố lớn này là nơi có bệnh viện họ cùng đến khám và điều trị những căn bệnh của người già. Ông đến trước, khi sức khỏe của ông kha khá, vợ con trao cho ông quyền tự lực cánh sinh. Một tuần vợ ông có tạt qua hai, ba lần, nghe ông đây đẩy “đuổi khéo” lại tất tả chạy về. Bà còn rất trẻ so với chồng. Người đàn bà biết mình là công cụ trả thù tình của chồng nhưng vui vẻ chấp nhận cuộc sống an bài.

Đã có một thời trong trắng, sôi nổi và dại khờ...
Bà có một mình, con ở xa, cháu cũng xa, báo cho đứa nào cũng sợ phiền mà bệnh cũng không trầm trọng gì nên bà tự xách giỏ vào bệnh viện một mình. Và họ gặp nhau, như là dịp để dối già, là cơ hội để bày tỏ những uẩn ức thời tuổi trẻ.
Hai ngày sau khi bà nhập phòng, không hiểu sao bỗng nhiên bệnh viện vắng. Căn phòng rộng thênh với mười sáu giường bệnh kê hai dãy, mỗi giường thường công kênh đến hai bệnh nhân giờ chỉ còn hai người, một đàn ông và một đàn bà, cả hai đều đã già, một hiện tượng kỳ lạ như thể có một bàn tay nào đó sắp đặt.
Bà chọn giường trong cùng, dãy bên trái; ông đôn từ giữa ra giường ngoài cùng, dãy bên phải. Thì hai người vẫn chung một phòng. Lúc dọn đồ, ông còn đùa: “Anh ở đầu sông, em cuối sông!”. Với ông, những ngày nằm viện là những ngày hạnh phúc. Và câu chuyện ngày xưa được dịp ùa về.
***
Ngày xưa, bà nghe bạn bè kể, cắt đứt liên lạc với bà, ông về quê và hoàn thành việc cưới vợ trong vòng năm ngày. Người con gái quê có khuôn mặt thiên thần nhưng bị dị tật ở chân, sức khỏe yếu không thích hợp với những trai làng cường tráng cần vợ như cần công lao động trong nhà. Và người con gái ấy sung sướng nhận lời làm vợ ông, sung sướng được là một viên đá nhỏ để lấp vào chỗ trống mênh mông trong trái tim ông. Sung sướng chờ ngày bỏ quê vào phố phường của miền Nam làm vợ, làm mẹ và đổi đời. Thôi, cứ an ủi đã vớt vát được một con người có hạnh phúc.
Mà đời nhiều người đổi thật.
Bà cũng nghe kể - những tin kể khi ấy cứ dồn về bà tới tấp - chuyện ông ra ga đón vợ nhưng ngơ ngẩn không nhớ mặt vợ mình. Chỉ đến khi có người phụ nữ khập khiễng đi đến, đập mạnh vào vai ông, khóc như mưa vì sung sướng và hạnh phúc thì ông mới bừng tỉnh. Bừng tỉnh để đi tiếp cuộc đời mình. Và bà chắc mình mất ông từ khi ấy.
Ông có vợ không yêu. Ông có con không ngoan cũng chẳng giỏi; lại nghe nói con ông hư nhưng chưa hỏng. Ông có chức nhưng không lớn, tiền cũng không nhiều. Mà ông dễ thù hận với tất cả. Bà không thể tin nổi có một ngày ông thành người của sự thù hận. Và bà nhận nguyên nhân về mình.

Hai người ngồi chung một ghế, nhàn hạ, ấm áp và yên bình như một cặp tình nhân lâu năm
Có vài lần, phòng thêm người nhưng người mới cũng nhanh chóng chuyển đi, phòng bệnh vẫn chỉ có hai người, bà mong thoát khỏi tình huống khó xử nhưng lại muốn kéo dài những ngày khó xử.
Gần bảy mươi tuổi rồi nhưng hình như con tim yêu của bà vẫn xốn lên khi nhìn thấy ông. Ánh mắt sáng, cặp chân mày gọn gàng như đường vẽ, nụ cười hiền, cánh mũi lân, và mái tóc bồng, mái tóc ngày xưa vẫn làm bà ngơ ngẩn nay đã chuyển sang thành cước trắng nhưng vẫn bồng lên, nó làm cho cảm xúc của bà cũng dồn lên trong lồng ngực mỏng.
Có những khi thức giấc bà thấy ông đăm đắm nhìn. Rồi như ngại, như ngượng ngùng, ông bối rối quay đi. Cả bà nữa, bà cũng hay trộm nhìn khi ông ngủ. Ngày xưa, hai năm yêu, chưa bao giờ bà được nhìn ông ngủ. Cái thuở yêu nhau phải nói chuyện chỗ sáng đèn, vài lần vội vàng nắm tay, lơ mơ trai gái là kỷ luật như chơi. Cái thời trong trắng, sôi nổi và dại khờ…
***
Thời trai trẻ bồng bột, ông đã đánh mất bà chỉ bởi một thông tin mơ hồ: Người ta thấy bà đi vào rạp hát, rất vui vẻ cùng với người bạn trai cũng là bạn của hai người. Và ông cho mình quyền tự suy diễn tiếp mặc kệ mọi lời giải thích của bà, sự khuyên răn, hàn gắn của tổ chức. Ông gửi trả toàn bộ những lá thư hàng ngày bà kiên trì chuyển đến mặc dù hai người công tác cùng cơ quan. Rồi ông chuyển công tác đi thật xa. Tình yêu từ những năm một ngàn chín trăm lâu lắm, ông bâng khuâng so sánh với bây giờ, cũng là tình yêu mà sao khác nhau đến lạ.
Ngày xưa, ông vẫn từng đau đớn bởi ý nghĩ mình là nguyên nhân gây nên những lận đận đời bà. Năm năm sau khi ông có vợ, bà mới mở lòng mình. Nhưng cuộc tình không như là mơ. Bà vác bụng bầu lặn lội đi tìm cha cho con mình, chấp nhận cay đắng, quỳ xuống van xin trước cha và mẹ của người tình để rồi chỉ nhận được lời ngã giá lạnh lùng: Hãy cầm tiền và đi hủy cái thai. Cũng may mắn cho bà, cơ quan của kẻ sở khanh đã dang tay cứu giúp, và bà có chồng, con bà có cha, dẫu không xênh xang tự hào nhưng vẫn là người có…
Có bận ông yên tâm bởi thông tin gia đình bà hạnh phúc và giàu có. Tự an ủi, may cho bà thoát khỏi ông, kẻ trái tính cực đoan rồi thông tin bẵng đi. Giờ, bốn mươi năm rồi.
***
Người ngoài nhìn vào, thấy hai người già đều là những người hiền lành, tốt tính và chu đáo thường hay chăm sóc lẫn nhau. Cũng có khi hai cụ giành nhau việc đi nhận thức ăn, mua mấy thứ đồ lặt vặt hay lấy kết quả xét nghiệm.
Buổi sáng, hai cụ cùng đi bộ trên lối đi quanh bệnh viện, buổi chiều, hai cụ cùng xuống ghế đá vườn hoa, cụ bà đi trước, cụ ông đi sau, hai người ngồi chung một ghế, nhàn hạ, ấm áp và yên bình như một cặp tình nhân lâu năm. Mà sức khỏe hai cụ có vẻ tiến triển tốt bởi lẽ thấy hai cụ vui cười, đi lại nhanh nhẹn hơn còn ánh nhìn hình như thêm nét long lanh. Người ta tấm tắc về chuyện lạ kỳ, bỗng dưng mùa này bệnh viện vắng, vắng đến độ phòng bệnh chỉ còn có hai người. Mà cũng may có đến hai cụ, trong một phòng, hai cụ chung một bệnh, cùng một hoàn cảnh tự lực cánh sinh. Già, bệnh mà khỏe re như hai cụ, người ta khen là… nhất. Và người ta đã kịp quen với hình ảnh hai cụ già và phòng bệnh có hai người.
Bà nói mắc cười bởi không ngờ ngày gặp lại, bỗng dưng bà bật tiếng gọi “ông”. Ông cười xuê xoa nhận lỗi bởi ông cất tiếng gọi “bà” trước. Mà cũng phải thôi, lên ông, lên bà hết rồi… Nửa tháng trôi nhanh, một buổi chiều, cô y tá đến thông báo hai cụ được xuất viện cùng một ngày. Trước ngày chia tay, phòng vẫn chỉ có hai người, một nam, một nữ. Chập tối, cơm nước xong ông pha trà, sắp bánh, trang trọng như chuẩn bị đám nói. Chẳng đợi mời, bà kéo ghế đến ngồi bên ông. Bà muốn nói với ông lời xin lỗi, xin lỗi vì vô tình đã làm ông tổn thương nhưng cổ họng cứ nghẹn lại. Không chừng bệnh lại hành, rồi nằm viện đến bao giờ…
Ông không nói lời xin lỗi mà nói lời nhận lỗi, lỗi cực đoan nên cả đời ông đi làm khổ mình, khổ người. “Những cơ cực của cuộc đời em, anh đều biết nhưng đã quá muộn, anh đã quá sai”, ông nói, giọng chùng hẳn xuống làm nước mắt nước mũi bà lem nhem.
Ừ, mà ông đã quá sai và cả cuộc đời đi sửa cái sai ấy, sửa mãi mà không xong. Cả đời ông vật lộn với người đàn bà ông không yêu và những đứa con do người đàn bà ông không yêu sinh ra. Xoay qua xoay lại sắp hết một kiếp người. Họ ngồi bên nhau, không lâu lắm. Già rồi, giờ chỉ có thể nằm lâu.
***
Khuya nhìn sang, bà thấy ông đang nhăn nhó. Bà biết, ông bị chứng chuột rút hành hạ. Chân ông co quắp, thấy ông nhăn vẻ đau đớn, hai tay với xuống nắm chân nhưng ông không lên tiếng. Những lúc ấy, cần một người khỏe mạnh kéo giãn chân ông ra, đè xuống. Không ngại ngần, bà sang giường ông ứng cứu như bổn phận đương nhiên phải thế. Tay bà cũng yếu lắm rồi, không thể nắn, kéo cẳng chân đang co quắp, bà chỉ có thể nhè nhẹ xoa. Lần đầu tiên của sự đụng chạm da thịt giữa hai người. Ngày xưa, ngày xưa trong trắng và thánh thiện cứ hiện về.
Ông lại gọi bà bằng em, như chuyện đương nhiên phải thế. Bà ngồi bên ông, thấy rõ lòng mình bình yên nhưng thi thoảng vẫn sụt sịt khóc, vì cái gì nhỉ. Thương thì lúc nào cũng thương, giận thì vẫn còn giận nhưng là giận mình. Thôi, anh đừng nói chuyện ấy. Bà lại thấy hai người đang như là một cặp tình nhân.
Truyện ngắn của Oanh Nguyễn

monkey58

Tổng số bài gửi : 48
Age : 66
Reputation : 0
Registration date : 15/01/2010

Về Đầu Trang Go down

50 năm 1 tình bạn Empty Re: 50 năm 1 tình bạn

Bài gửi by Quang74CKO 1/8/2012, 05:11

Bức ảnh ghi lại hình ảnh một cụ ông tóc bạc phơ tặng hoa hồng, bánh kem cho một cụ bà ốm yếu, gầy gò nằm trên giường bệnh. Nụ cười rất ấm áp, cụ ông nắm chặt tay cụ bà.

Bức ảnh được đưa lên mạng xã hội Facebook vào lúc 12h20 hôm nay (31.07.2012) không một lời giới thiệu, chỉ đơn giản là một hình ảnh thật ý nghĩa. 30 phút sau đó đã có 28.744 lượt người thích bức ảnh này cùng 1000 ý kiến chia sẻ với nhân vật trong ảnh dù không biết họ là ai? Và lượng người thích bức ảnh còn liên tục tăng hàng trăm người mỗi phút.

50 năm 1 tình bạn Images953822cuong

Nhiều người đồng loạt gọi bức ảnh với cùng cái tên: "Bức ảnh tình yêu không lời" cũng như ngưỡng mộ tấm chân tình của cụ ông dành cho cụ bà trong bức ảnh.

Quang74CKO

Tổng số bài gửi : 673
Age : 65
Reputation : 0
Registration date : 14/05/2012

Về Đầu Trang Go down

50 năm 1 tình bạn Empty Re: 50 năm 1 tình bạn

Bài gửi by Quang74CKO 31/8/2012, 00:55

50 năm 1 tình bạn 43130236019257733600517

Cụ ông 92 săn sóc vợ tai biến suốt 28 năm trong nursing home từ Việt Nam sang đến Mỹ

“Sống mạnh giỏi cũng vợ chồng mà đau ốm cũng còn tình nghĩa vợ chồng chứ! Mặc dù không gần gũi nhau, nhưng tình thương vẫn phải giữ, chứ đâu có lúc nào phai lợt được.”

Câu nói mộc mạc, chân chất đó chính là của một người đàn ông đã ngoài 90 tuổi, người suốt 28 năm qua miệt mài chăm sóc cho người vợ 80 tuổi bị tai biến mạch máu não, hiện đang nằm tại viện an dưỡng Garden Park.


Ông tên là Bùi Văn Truyền (Bùi Truyền), sinh năm 1920, tức năm nay ông đã 92 tuổi, hiện đang sống tại thành phố Garden Grove, Orange County. Vợ ông là bà Ðoàn Thị Cảnh, 80 tuổi, bị “đứt mạch máu não từ năm 1984, lúc còn ở Bến Tre.”

Ðiều đáng nói hơn nữa là bà ngã bệnh ngay khi ông vừa trở về nhà chẳng bao lâu sau gần 9 năm bị “giam trong xà lim ở Bến Tre” vì “tội” làm xã trưởng 17 năm ở xã An Hội, tỉnh lỵ Bến Tre trước năm 1975.

Hình ảnh người đàn ông nhỏ nhắn, lúc nào cũng sẵn sàng nở nụ cười, hằng ngày đều đặn vào thăm vợ đang nằm tại nhà an dưỡng Garden Park, lau mặt, bóp tay bóp chân, hút đàm, chậm nước dãi, và ngồi lặng lẽ bên cạnh người vợ hàng tiếng đồng hồ, đã trở nên khá quen thuộc với nhân viên viện an dưỡng lẫn những người thăm nuôi người bệnh tại đó.

Ông Na Nguyễn, giám đốc điều hành chương trình chăm sóc người lớn tuổi Việt Nam của viện an dưỡng Garden Park, nói ngay với phóng viên Người Việt không cần đắn đo khi nghe nhắc đến tên ông Bùi Truyền, “Ông đó là nhất ở đây đó. Ổng chín mươi mấy tuổi rồi mà ngày nào cũng như ngày nào đều vô chăm sóc vợ, không sót một ngày nào.”

Vừa cầm ống hút đàm cho vợ một cách thành thục, ông Truyền vừa nói: “Những chuyện này mình làm được, nên không cần nhờ đến y tá. Hồi bả chưa vào đây, ở nhà cũng tôi làm thôi.”

Bà Cảnh vào nằm hẳn ở viện an dưỡng Garden Park này mới hơn một năm, còn hai mươi mấy năm trước đó, một tay ông chăm sóc cho bà ở nhà, từ khi còn ở Việt Nam cho đến lúc qua Mỹ năm 1997, theo diện H.O.

“Tội lắm cô ơi. Tôi thấy bả nay nằm yếu lắm rồi, nhưng mình biết làm sao bây giờ đây! Số trời đã định rồi, tới đâu hay tới đó.” Ông nói khi đưa tay chải những sợi tóc bạc của vợ, rồi lấy tay vuốt nhè nhẹ lên trán, lên má người vợ đang nằm yên trên giường bệnh.

Dù không nói được, nhưng đôi mắt khi thiêm thiếp, khi như mở lớn hướng về phía chồng của bà Cảnh cho thấy bà nghe hết, và cảm nhận được hết những gì ông dành cho bà, từ mấy mươi năm nay. Một điều gì đó đầm ấm và gắn bó, quyến luyến đến lạ lùng khi ông ngồi nắm lấy tay bà xoa nhẹ, bóp nhẹ, và bà cũng bóp nhẹ lấy tay ông.

“Bả cho người ta mượn tiền làm lò kẹo. Ðến lúc đòi, họ không trả mà còn nói 'xóc hông' nên bả tức lên đứt mạch máu não luôn.” Ông Truyền nhớ lại nguyên nhân khiến vợ ông mang căn bệnh ngặt nghèo từ 28 năm qua.

Theo lời ông Truyền, năm 1984, sau khi bị “đứt mạch máu não,” bà Cảnh nằm hôn mê trong bệnh viện Bến Tre cả tháng, “em vợ và thằng con trai tôi đòi đem bả về nhà để lo hậu sự nhưng tôi nói còn nước còn tát, chừng nào má mày 'đi' thì hãy hay.” Suy nghĩ như vậy nên ông Truyền không đồng ý cho bác sĩ rút dây thở của vợ mình.

Không biết có phải từ niềm tin của ông không mà sau đó bà Cảnh “hơi tỉnh tỉnh lại, mở mắt được.” Vậy là ông đưa bà lên bệnh viện Chợ Rẫy.

Theo lời ông kể, “Bả còn sống được là nhờ ông Bác Sĩ Ðà, người Bắc, mà tôi không có biết họ của ổng.” Vì khi cầm tờ giấy bệnh viện không nhận chữa trị trường hợp của bà Cảnh, ông Truyền đứng “rớt nước mắt” ngoài bệnh viện. Bác Sĩ Ðà tình cờ nhìn thấy tình cảnh đó, đã giúp ông đưa bà vô lại bệnh viện, sau khi tự nhận “đây là chị của Bác Sĩ Ðà.”

6 tháng trong Chợ Rẫy là 6 tháng ông Truyền túc trực chăm sóc cho vợ. “Tôi được người ta 'tuyên dương' là nuôi bệnh giỏi đó cô, vì bả nằm một chỗ như vậy mà không hề bị lở loét chút nào hết trơn,” ông khoe với nụ cười tươi rói.

Rời bệnh viện, ông tiếp tục để vợ ở lại Sài Gòn thêm 3 tháng để tìm người làm vật lý trị liệu cho bà trước khi đưa lại về Bến Tre.

“Về nhà, tôi chặt tầm vông để làm chỗ vịn đỡ cho bả tập đi. Tôi tập hoài mà không được.” Ông buồn so.

Dù có 6 người con, nhưng ông Truyền vẫn giành phần chăm sóc cho bà. “Tôi nhai cơm đút bả ăn, như đút cho con nít vậy đó cô. Qua đến Mỹ tui cũng còn nhai cơm đút bả ăn mà. Chỉ có vài năm nay, bả không ăn được bằng miệng nữa, phải cho ăn sữa truyền qua bụng, thì tôi cũng gắn ống, gắn đây nhợ làm cho bả được hết.”

Không chỉ vậy, lau mình, làm vệ sinh, thay quần áo, cắt tóc, gội đầu, lăn trở bà qua lại cho không bị hầm dễ sinh ra lở loét,... tất cả đều tự tay ông.

“Tự dưng lúc đó mình phải nghĩ ra được cách để làm sao à cô. Tôi đỡ bả lên cho bả dựa vào tôi để tôi lau phía lưng cho bả. Tôi để bả nằm, đầu xích ra khỏi giường rồi kê thau lên gội đầu cho bả. Cái gì tôi cũng làm gọn gàng hết đó cô.” Ông lại cười, mắt nhìn vợ, tay lấy khăn giấy chậm nước dãi cho bà.

“Làm những việc như vậy có khi nào cảm thấy bó buộc chân tay, quạu quọ, cáu gắt không bác?” Nghe tôi hỏi, ông lắc đầu quầy quậy, “Không có đâu. Tôi vui vẻ với bả lắm, không có quạu quọ gì hết. Ðừng bao giờ nghĩ đó là gánh nặng cho mình hết cô à. Ðừng bao giờ nghĩ vậy.”

Ngồi trầm ngâm một chút, ông bỗng bật cười, nhớ chuyện đời xưa, “Hồi nhỏ tôi cũng 'trật búa' lắm, cũng đi chơi tung tăng tung ta khắp nơi hết á.”

“Vậy chứ khi bác gái còn mạnh khỏe, bác có bồ bịch tùm lum không?” Nghe tôi hỏi, ông già cười ngất một cách khoái chí, “Nói chuyện ra nghe mắc cười chết đi cô! Ðàn ông mà, ai cũng thương vợ thương con, nhưng mà làm sao tránh khỏi chuyện đó.”

Ông kể chuyện, lúc đó ông cũng có một “cô bồ.” Ông hẹn bồ đi coi hát mà không biết là vợ “bắt xích lô” đi theo.

“Khi đến nơi, người ta ngồi chật ních hết rồi, chỉ còn một chỗ bên ngoài cho tôi, còn 'nhỏ' đó ngồi bên trong. Trong lúc 'nhỏ' đó đứng lên để đổi chỗ cho tôi vô trong, 'nó' ra ngoài, thì bả đã đứng ngay đó nói: 'Thôi, chỗ nào cũng chỗ, ngồi đại đi chứ đổi làm chi.'” Ông kể và cười như nắc nẻ.

Mấy mươi năm rồi mà khi nhắc lại, gương mặt ông Truyền vẫn còn đầy vẻ ngạc nhiên, “Bả không chửi bới, không nói nặng tiếng nào hết nha. Bả chỉ nói 'chuyện tôi nói lâu rồi mà cứ chối, hôm nay tôi bắt tại trận rồi thì không chối nữa hé. Giờ tôi về trước mua trà bánh, lát nữa ông dẫn 'nó' về ăn bánh uống trà rồi mình nói chuyện với nhau ở nhà.'”

Chính từ cách cư xử mà ông Truyền cho rằng “không làm xấu mặt chồng ngoài đường” mà khi về đến nhà, dù bị bà vợ “tát cho hai cái tát vô mặt” ông cũng “nhịn luôn. Mình lỗi thì mình chịu chứ đâu có dám làm hung với vợ con.”

Dù biết rằng đó là lỗi, nhưng “hồi đó tôi bay bướm quá mà. Sau lần đó, tôi cũng lén lén thêm vài vụ khác. Bả bắt gặp, nhưng không bao giờ bả làm xấu chồng ngoài đường, mà chờ về đến nhà mới làm dữ.” Người đàn ông sống gần hết một thế kỷ cười lớn như che giấu sự “lăng nhăng” một thời của mình. Xong, ông lại ngậm ngùi, xót xa, “Tôi thương con người bả biết điều. Lúc tôi ở tù bả ở nhà lo nuôi con, lo đi thăm nuôi tôi. Tình nghĩa như vậy, lúc bả bệnh hoạn, mình bỏ bả sao đành. Cũng từ khi bả bệnh rồi, thấy bả nằm vậy là khổ quá rồi, mình còn vui sướng gì nữa. Nên chuyện bồ bịch cũng chấm hết, tôi chỉ dành thời gian lo cho bả.”

Sang Mỹ năm 1997 theo diện H.O, ông Bùi Truyền vẫn tiếp tục công việc chăm sóc tinh thần lẫn thể xác cho người vợ đau ốm của mình, dù “con trai, con dâu cũng có phụ chút chút, bởi đứa nào cũng có công ăn việc làm phải lo.”

Theo ông nói, thời gian trước vợ ông vẫn còn có thể nói chuyện, dù chỉ nói một cách ngọng nghịu, nhưng tay chân bà dùng chính là chân tay của ông. Bà ngồi, ông nâng đỡ. Bà nằm, ông lăn trở. Bà ăn, ông đút mớm. Bà lên xe, ông ẵm bồng. Cứ vậy, ông dìu bà đi suốt chặng đường hai mươi mấy năm qua.

“Mặc dù khi bả vô đây nằm thì tôi có khỏe hơn, nhưng mà buồn lắm, bởi khi bả ở nhà thì lúc nào tôi cũng nhìn thấy bả. Bả vô đây, tôi về nhà thấy vắng ngắt.” Ông vừa dứt lời, tôi trông thấy người vợ mở mắt hướng đầu về phía chồng.

Ông Truyền bảo: “Bả nghe đó, nghe hết đó. Tội nghiệp lắm. Tôi vô bả mừng, không thấy bả buồn.”

Tôi hỏi: “Bằng cách nào bác biết bà vui hay buồn?”

“Nhìn mắt bả. Có hôm bả nói chuyện nữa, không phải nói thành tiếng mà nhìn môi bả mấp máy, tôi đoán được. Có hôm tôi mặc đồ mới, bả nói 'hôm nay đẹp vậy!' Nhìn môi bả thì biết.” Ông lại đưa tay vuốt lên tóc vợ một cách trìu mến.

Ông Sang Võ, ngoài 80 tuổi, một người “bạn già” của ông Bùi Truyền, nói về bạn mình một cách ngưỡng mộ, “Nói về chuyện chăm sóc người bệnh thì ổng là đứng nhất. Ổng lớn tuổi như vậy mà ổng chăm sóc bả một cách tận tình, ai nhìn thấy cũng phải khen hết. Thật tình lắm. Hiếm có người tốt như ổng lắm đó. Nếu người ta ở vào hoàn cảnh ổng cũng phải buồn chứ, đằng này ổng giữ cho tinh thần vui vẻ lắm. Con ổng giành làm, ổng không cho, ổng muốn chính ổng săn sóc vợ.”

“Với bệnh đó nhiều người chăm sóc không kỹ thì khi vô thăm sẽ nghe hôi, thúi, nhưng ổng sửa soạn một cách đặc biệt, như người mạnh vậy, không có nghe mùi gì hết. Ổng là đệ nhất trong việc chăm sóc vợ bệnh đó!” Ông Sang nói thêm.

Mà đâu phải chỉ chăm lo cho bà như vậy, năm 2006, ông Truyền còn đưa vợ về Việt Nam cho bà được thăm con cháu tại quê nhà.

“Ðưa đi như vậy cực lắm chứ! Nhưng mà phải ráng, phải cho bả về thăm quê hương, thăm con cháu một lần chứ!” Ông cười.

Hỏi ông mơ ước điều gì, ngay lúc này, người đàn ông có giọng nói hiền lành chân chất cười một cách hồn hậu, “Giờ tui chỉ ước mong vui vẻ, khỏe mạnh để có thể chăm sóc cho bả thôi, chứ chẳng mong gì nữa.”

Hôm nay ngày Valentine, người ta bán hoa hồng nhiều lắm. Nhưng nghĩa tình này, liệu có ai mua nổi không ?

Quang74CKO

Tổng số bài gửi : 673
Age : 65
Reputation : 0
Registration date : 14/05/2012

Về Đầu Trang Go down

50 năm 1 tình bạn Empty Re: 50 năm 1 tình bạn

Bài gửi by Quang74CKO 6/9/2012, 02:26

Lộc Vàng:10 năm chăm vợ đau, 100 đêm khóc vợ mất

Một ngày mưa mờ xám, cô độc ngồi một góc nhìn ra hồ Tây, một buổi trưa hầm hập nắng, giữa ngổn ngang bàn ghế, kể cả khi đang cầm micro hát giữa đám đông, cứ nghĩ đến vợ là ông khóc. Người yêu dấu khi xưa đợi ông 8 năm trời ở tù ra để cưới nay đã 10 năm nằm giữa cánh đồng, dưới nắng mưa, dưới nền đất lạnh.
50 năm 1 tình bạn 83795940
Cứ nghĩ đến vợ là ông khóc, Lộc vàng - 10 năm không khóc cạn được nước mắt.

Chưa nói lời yêu, đợi người thương 8 năm ngồi tù

Lộc Vàng - cái tên gắn liền với nhạc vàng mà vì nó ông trải qua gần chục năm tù tội - sinh năm 1945. Vợ ông sinh năm 1947. Thuở ông 19, cô ấy 17, hai người bắt đầu biết nhau. Hồi đó, ông cùng những người bạn của mình là Phan Thắng Toán (tức Toán Xồm), Nguyễn Văn Thành vẫn thường tụ tập ở nhà ông Thành, đóng cửa hát những bản tình ca của Văn Cao, Đoàn Chuẩn… Cô thường lặng im, nghe ông say hát.

Ngày xưa, yêu đương đâu có thắp nến tỏ tình rình rang như bây giờ. Cứ tự nhiên, bén dần, thương nhau, yêu nhau, chẳng ngỏ một lời yêu.

Tình yêu mới chớm nở, nhẹ nhàng như những câu hát Hà Nội thuở xưa thì ông bị bắt đi tù. Thời đó, hai miền bom rơi, loạn lạc, hát về tình yêu cũng là tội lỗi. Ngày 27/3/1968, ông và “đồng bọn” bị xét xử ở nhà tù Hoả Lò, Toán Xồm bị kết án 15 năm, ông nhận án 10 năm (sau này được giảm còn 8 năm). Ngày định mệnh đến bất ngờ, chẳng kịp nói gì với người thương.

1 ngày ở tù dài hơn nghìn năm ở ngoài. Ngót 3000 ngày sau song sắt, chẳng phút giây nào ông dám nghĩ, ngoài kia, có người con gái xinh tươi đang mòn mỏi đợi người yêu chưa lời hẹn ước.
50 năm 1 tình bạn 89774932
Không lời ước hẹn, người con gái xinh đẹp đợi người yêu 8 năm tù

Ra khỏi cánh cửa nhà giam, mang trên mình lý lịch đi tù, chẳng ai dám lại gần. Có người sợ, bỏ chạy. Hồi đó ông gầy quắt như que củi, da đen xịt. Người con gái ở đoàn văn công, da trắng, tóc dài, xinh đẹp, mặc bạn bè chê bai, dè bỉu… vẫn yêu ông.

Đêm nào cũng thế, hai người ngồi trên vỉa hè trước nhà ông, tâm sự. Ông kể cô nghe chuyện… mình đã ở tù như thế nào.

Đã xấu, ở tù ra, ông lại còn nghèo, đến quần cũng không có mặc. Cô ấy sửa lại quần của mình cho người yêu. Không chút xấu hổ vì mặc quần “đàn bà”, ông chỉ thấy hãnh diện.

Cứ nhắc đến là ông lại khóc. “Trên đời, không có người đàn bà nào như cô ấy. Khi bị cấp trên gọi lên, bảo: “Sao lại yêu một thằng mới đi tù về?”, cô ấy bỏ đoàn Tuồng TW, ngày hôm sau ra ngoài đường bán đậu phụ.
50 năm 1 tình bạn 89518995
Bỏ cả nghiệp Tuồng, ra đường bán đậu phụ, cô cưới “người tù” mình yêu

Biết chồng mình từng đi tù vì mê hát, vậy mà lần nào chồng hát ở đâu cô ấy cũng đưa con theo. Hỏi tại sao, cô ấy bảo “để nếu chồng bị bắt còn biết đường tiếp tế.”

Còn có người vợ nào như thế không?”

10 năm chăm vợ đau, 100 đêm thức khóc vợ mất

Cứ rảnh ra lúc nào, ông lại ngồi bần thần, nhớ. Chẳng hiểu sao, nhớ nhất những là những ngày ốm đau.

“Giữa đêm, tôi giật mình choàng tỉnh. Có tiếng uỵch mạnh. Tôi hoảng hốt chạy vào. Hoá ra vợ tôi thấy chồng thức cả đêm, mệt quá ngủ thiếp đi nên không gọi, tự mình lần mò vào nhà vệ sinh. Ngã. Từ đầu đến chân bê bết phân. Tôi ôm vợ, rửa đi rửa lại khắp người”.
50 năm 1 tình bạn 96482094
Bần thần, nhớ...

Vợ ông bị bệnh xơ gan cổ trướng, nằm nhà 10 năm trời. Một mình ông nuôi vợ ốm đau, mẹ vợ què quặt, hai đứa con ăn học. Đầu óc ông lúc nào cũng quay cuồng kiếm tiền mua thuốc cho vợ.

Có những hôm, không có việc làm, vẫn nói dối vợ công việc tốt, lời lãi nhiều, ông lang thang ra ngồi ghế đá, vắt óc nghĩ cách. Bí bách, có lúc nói dối bạn bè mượn tiền mua vật liệu làm công trình. Vay người này, trả người kia, vay lãi, có lúc bế tắc như thể húc đầu vào tường, chỉ mong vợ khỏi bệnh.

Đi khắp các tỉnh miền Bắc, Lào Cai, Yên Bái, Hoà Bình, ai mách cái gì chữa được bệnh xơ gan cổ chướng ông cũng đến tận nơi. Có lần có người mách cây hoa cứt lợn mọc trên những nấm mồ, ông lang thang khắp các bãi tha ma, hái hàng bao tải về, chữa cho vợ.

8 tháng trước khi mất, vợ ông nằm liệt giường, bụng chướng lên đau đớn quằn quại. Trời mùa hè nóng bức, ngày chạy ngược chạy xuôi kiếm tiền mua thuốc, suốt đêm thức, hết nằm lại ngồi, xoa bóp cho vợ
50 năm 1 tình bạn 20730677

Vợ mất, ông thức trắng 100 đêm khóc thương. Hơn 10 năm trôi qua, cứ mỗi lần nhắc đến lại khóc. Ông nói, mất mát lớn nhất của đời mình là bây giờ, khi mình đã mở được quán cà phê để sống trọn với đam mê nhạc tiền chiến thì vợ đã nằm dưới đất lạnh. Cả cuộc đời cô ấy chưa ngày nào được sống sung sướng, ấm êm.

Quang74CKO

Tổng số bài gửi : 673
Age : 65
Reputation : 0
Registration date : 14/05/2012

Về Đầu Trang Go down

50 năm 1 tình bạn Empty Re: 50 năm 1 tình bạn

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết