DIỄN ĐÀN KỸ THUẬT VIỆT ĐỨC - KIỂU MẪU
CHÀO MỪNG CÁC BẠN TRỞ VỀ MÁI TRƯỜNG XƯA ...

Join the forum, it's quick and easy

DIỄN ĐÀN KỸ THUẬT VIỆT ĐỨC - KIỂU MẪU
CHÀO MỪNG CÁC BẠN TRỞ VỀ MÁI TRƯỜNG XƯA ...
DIỄN ĐÀN KỸ THUẬT VIỆT ĐỨC - KIỂU MẪU
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Gió Đưa Gió Đẩy ...

Go down

Gió Đưa Gió Đẩy ... Empty Gió Đưa Gió Đẩy ...

Bài gửi by tieusontrangsi 19/6/2009, 09:51

Gió đưa,gió đẩy về rẫy ăn tầm!
Về sông ăn cá,về đồng ăn cua!

Mỗi một miền đất đều có những món ăn đặc sản của nó.Cái hương vị quê nhà đầu đi đâu và xa cách bao lâu vẫn còn vấn vương hoài trong ký ức.
Xin được phép mời các bạn cùng tôi đi qua từng miền trên đất nước thưởng thức những món ngon qua các bài lượm lặt đó đây!

Giọt mắm ngày mưa

Gió Đưa Gió Đẩy ... Nuoc_m10

Nước mắm ngon dằm con cá liệt
Em có chồng nói thiệt anh hay…

… Giữa trời đất phương Nam sụt sùi trong mưa, tiếng hò đưa loang trên mặt sông vắng khiến lòng người bỗng dưng thấy… ngùi ngùi! Vậy chứ thắc mắc mấy chuyện duyên tình thì ít nhưng… bụng dạ cồn cào vì mấy tiếng “nước mắm ngon” thì nhiều không kể!

Các học giả, các nhà văn hoá từng bàn về “nước mắm Việt” một cách cao siêu: thiếu nước mắm thì chưa thành bữa cơm Việt Nam! Nồi cơm ở đầu mâm và chén nước mắm ở giữa mâm là biểu tượng cho những cái đơn giản mà thiết yếu: cơm gạo là tinh hoa của đất, mắm chiết xuất từ cá là tinh hoa của nước – giống như hành Thủy và hành Thổ là cái khởi đầu và cái trung tâm trong Ngũ Hành. Rồi thì chén nước mắm dung hòa đủ cả ngũ hành : vị mặn (Thủy) của nước mắm, đắng (Hỏa) của vỏ chanh, chua (Mộc) của chanh giấm, cay (Kim) của tiêu ớt, đem đựng trong chén đất (Thổ).v…v…

Riêng “kẻ nhà quê” này thì chỉ biết… ứa nước miếng thòm thèm nhớ cái hương vị vừa độc đáo, vừa nồng nàn quyến rũ của đủ ngũ vị: chua – cay – ngọt – mặn – đắng, lại vừa hài hòa tươi đẹp của ngũ sắc: trắng tỏi – xanh chanh – vàng gừng – đỏ ớt – đen tiêu khi chấm nắm cơm cháy vàng ươm nóng hổi của mình vào chén nước mắm mẹ pha trong bữa cơm ngày mưa bão!

Chỉ cần chén nước mắm pha và nồi cơm nóng hổi thế là đủ thành một bữa cơm quê đậm đà hương vị! Ngày bão, đường vắng chợ xa, thịt cá trở thành… xa xỉ, “sản vật” trong nhà chỉ còn cơm trắng và nước mắm. Vậy mà mẹ tôi, “người nội trợ từ năm 6 tuổi” cũng khéo pha chế thành “món” để hương vị nước mắm “chân quê” ấy ngấm mãi… cả đời tôi! Để lâu lâu vẳng nghe câu hát: “ Muôn đời mắm vẫn đưa hương…” thấy bọn trẻ cười khì khì: “Úi trời, mắm đưa hương… gì mà muôn đời luôn vậy?” lại thấy… thương tụi nó … sao giống mình hồi nhỏ!

Hồi nhỏ, ai mặc áo đẹp, áo thơm mà không… hết hồn khi thấy trên bàn bày món … bánh tráng cuốn thịt luộc chấm nước mắm (hay mắm nêm)! Hồi nhỏ, đứa nào mà không sợ mẹ biểu: “Cu Đen (hay con Mén) đem cái chai ra bà Năm mua nước mắm.” Bởi đứa nào cũng sợ… tuột tay “choang” một cái rồi ăn đòn quắn đít, nhưng “ám ảnh” mãi và đáng sợ nhất là mùi nước mắm… tắm ba ngày không bay!

Nước mắm là hương liệu (nghĩa là… thơm), là phụ trợ chính trong nghệ thuật bếp núc của người Việt mình! Đâu chỉ “sống hòa bình” với các loại gia vị khác, nước mắm phát huy tối đa công dụng trong việc nêm, ướp các món ăn và còn dùng để chấm các thứ rau. Nhưng, phải nghe cụ Vương Hồng Sển nói về cái thú ăn dân dã này mới thấy toát lên cái duyên “chân quê” của nước mắm: “Chúng ta có món mắm và rau, tức là mắm kho rau sống, bông súng nguyên sợi, rau dừa nguyên cọng, nếu xắt nhỏ thì mất ngon, và phải tự tay nắm cả nùi rau, vò lại và ngắt đứt bằng tay, dồn tất cả vào tô, chan ngập nước mắm, và lua vào mồm, nhai nghe sồn sột, má phúng ra, nín thở, miệng mồm choàm ngoàm, đến không thốt được lời nào, và như vậy mới thật là khoái khẩu…”

Đấy, đấy cái “duyên quê” của nước mắm là ở đấy! Trưa hè nực nội, chỉ cần bát nước rau vắt tí chanh, đĩa rau muống luộc xanh rờn rờn, thêm chén nước mắm dầm sấu (theo kiểu người Hà Nội) là đủ rồi! Ngày mưa gió lạnh, để dành được lưng cơm gạo dẻo, chấm nước mắm cốt cũng… no nê! Hay chén cháo trắng cho người ốm, chỉ có hành xanh cùng chút nước mắm hạt tiêu! Hay…

Chẳng dám lạm bàn! Chỉ biết bữa cơm người Việt trên chiếc mâm tròn chẳng bao giờ thiếu “cái nhụy” là chén nước mắm hiên ngang đứng giữa!

Cũng chẳng dám lạm bàn, chỉ thấy từ “cái nhụy” ấy tình yêu thương gia đình nảy nở trong mỗi trái tim người dân “xứ mình”

Cũng chẳng dám lạm bàn. Vì cái “món” nước mắm sao cứ lam lũ, chân quê như cha mẹ ta mộc mạc. Mà, cha mẹ càng lam lũ, càng mộc mạc, đứa con càng khắc khoải, xót xa thương!

Nguyệt Kim





Được sửa bởi tieusontrangsi ngày 20/6/2009, 00:13; sửa lần 1.
tieusontrangsi
tieusontrangsi
Members

Tổng số bài gửi : 176
Age : 70
Reputation : 0
Registration date : 07/09/2008

Về Đầu Trang Go down

Gió Đưa Gió Đẩy ... Empty Re: Gió Đưa Gió Đẩy ...

Bài gửi by tieusontrangsi 19/6/2009, 10:21

Bún cá Kiên Giang

Kiên Giang là dải đất tận cùng phía tây nam Tổ quốc. Thiên nhiên đã hào phóng ban cho mảnh đất này có biển, có đảo, có núi rừng và cả một đồng bằng phì nhiêu, sông rạch chằng chịt. Môi trường thiên nhiên rất phong phú đã tạo cho nơi đây hệ động-thực vật nhiều chủng loại, đặc biệt là hải, thủy sản.

Vùng đất này tôm cá nhiều vô kể. Hằng năm, Kiên Giang khai thác hơn 120 nghìn tấn hải sản và nguồn cá đồng lên đến hàng vạn tấn/năm. Vì thế món ăn nơi đây được chế biến rất đa dạng nhưng vẫn giữ được sắc thái riêng. Khách đến chơi nhà, chủ nhà thường hỏi ý khách thích ăn cá biển hay cá đồng mà thết đãi. Hỏi như thế, vì họ thực tình hiếu khách và cũng có một chút tự hào về những món ăn phong phú của quê hương mình.



Gió Đưa Gió Đẩy ... Bun_ca10


Cái tên bún cá Kiên Giang đã có rất lâu. Hỏi các cụ già nay đã bảy, tám mươi tuổi, họ cho biết thời các cụ còn thanh niên cũng đã gọi vậy rồi. Ai đặt tên cho nó? Các cụ bảo không biết, nhưng thấy thiên hạ gọi riết rồi mình cũng gọi theo. Đoán rằng người dân bản xứ không tự đặt cho nó. Bởi thuở ban đầu, họ chỉ xem bún cá là món ăn dân dã, bồi dưỡng con người sau những giờ lao động mệt nhọc, nào có mục đích buôn bán gì đâu mà phải đặt tên cứ gọi "bún cá" là được rồi. Nhưng nếu thêm hai chữ "Kiên Giang" thì có thể đây là cái tên do người phương khác đặt cho nó. Người đó phải là một du khách, đi chu du khắp nơi, biết nhiều món ngon vật lạ. Và, một dịp tình cờ được thưởng thức món bún cá độc đáo nơi đây, liền đặt một cái tên cho thật dễ nhớ, để sau này còn có dịp giới thiệu với bạn bè. Về sau, nó trở thành món ăn được nhiều người ưa thích, người ta mới có ý định lập quán để kinh doanh.


Ở Kiên Giang, người ta thích ăn bún cá ở các quán bình dân nơi phố chợ hoặc gánh hàng rong phục vụ "thượng đế". Ăn với không gian như thế mới cảm thấy hết cái ngon của món ăn dân dã này, bởi nó được hòa quyện với đất trời thiên nhiên và đồng cảm sẻ chia cả những giọt mồ hôi của người dân quê lao động.

Giờ đây, bún cá Kiên Giang trở nên thân quen đến độ người ta còn nhờ nó để tỏ tình, tâm sự:

Chai rượu, miếng trầu em hầu Tía, Má
Nấu tô bún cá đặng lấy lòng anh

Hoặc là:

Ai về Rạch Giá, Kiên Giang
Ăn tô bún cá chứa chan tình người

Gọi là món ăn dân dã là theo cách nói khiêm tốn của người dân nơi đây. Nhưng xem họ chế biến, quả thực không kém phần công phu.
Trước tiên cá lóc mua về phải còn sống. Chọn cá khoảng 1 kg/con là vừa. Cá được cạo vẩy, rửa sạch, cắt thành ba khúc đầu, mình và đuôi. Đầu cá được cắt khéo léo rời khỏi khúc mình nhưng còn dính nguyên bộ lòng. Dùng mũi dao nhỏ, khẽ rạch bao tử một đường, nhẹ nhàng lấy thức ăn thừa ra, chà muối rửa sạch. Nhớ cẩn thận không để vỡ mật, dập gan thì bộ ruột mất ngon. (ở Nam Bộ, người ta rất quý ruột cá lóc, bởi nó không những được xem là miếng ngon nhất trong con cá, mà còn mang một ý nghĩa văn hóa trong ứng xử giữa con người với nhau.

Trong bữa ăn, họ thường nhường bộ lòng cá cho khách quý hoặc người trọng vọng nhất trong bàn). Cá được đem hấp bằng xửng (*), để nước ngọt trong cá chảy xuống nồi nước lèo (**) bên dưới.

Cá chín vớt ra, lột da đem bỏ, bẻ cá ra từng miếng, thịt trắng phau, xếp gọn gàng ra đĩa để riêng một chỗ. Kế đến người ta tìm cho được loại tép to bằng ngón tay, còn tươi rói, mà phải là tép biển chớ không được tép đồng. Tép đem rửa sạch, lột vỏ, bỏ đầu, ướp chút muối, một ít tiêu, tỏi... Sau đó đặt chảo lên bếp, phi tỏi mỡ cho thơm, bỏ tép vào rim, nhỏ lửa để tép săn lại, cuộn tròn vàng ươm, thơm lừng, múc ra tô để nguội. Nồi nước lèo được nêm cho vừa ăn. Muốn ngọt nước mà vẫn giữ được vị mặn mà, ta đem nướng con khô mực bằng bàn tay, rồi xé nhỏ bỏ vào.

Không dùng xương heo hoặc bò, gà như nấu phở vì sẽ mất mùi đặc trưng của bún cá. Gặp mùa cá có trứng, người ta đánh trứng tơi ra, cho vào nồi nước, trứng nổi lên vàng tươi trông thật đẹp mắt.

Bún cũng được chế tác thật kỹ. Đầu tiên là phải chọn gạo trắng thơm ngon, không lẫn tạp phẩm đem ngâm với nước dừa thơm. Sau đó vo sạch trong nước để gạo trắng tinh. Đem xay rồi cô lại, nhào bột cho thật mịn, cho vào khuôn và ép bột bún vào nồi nước đang sôi. Bún nổi lên là chín, vớt ra rửa lại với nước sạch để sợi bún không dính vào nhau. Công phu như thế, sợi bún mới được thơm ngon, mượt mà óng ánh như tơ.

Cho bún vào tô nhúng qua nước lèo để sợi bún nóng lên, khi đó mới cho cá và tép lên trên, múc nước lèo ngập tô. Chớ vội ăn ngay, mà hãy ngắm nhìn những miếng cá trắng tinh nằm lẫn với tép vàng ươm co tròn xinh xắn, điểm trang thêm vài sợi hành lá thái nhỏ thơm thơm, nước lèo thì nóng hổi, bốc hơi nghi ngút. Ta hít một hơi thật dài để cảm nhận vị ngon bằng mũi, sau đó mới húp nhẹ chút nước lèo xem có vừa miệng không. Nếu lạt thì thêm nước mắm, mà phải là nước mắm nguyên chất chính hiệu Phú Quốc - Kiên Giang thì mới đúng hương vị bún cá nơi này. Thích cay thì có sẵn lọ ớt chua, bằm nhuyễn, muốn ăn bao nhiêu tùy thích. Ăn kèm với nó còn có giá sống, rau răm, húng thơm...

Ở Kiên Giang, bún cá được bán cả ngày. Những tô bún thơm lừng là món lót dạt buổi sáng mà người dân ở đây ưa thích. Xế tầm, người ta tìm nó như một chút giải khuây, bồi dưỡng sức khỏe sau giờ lao động mệt nhọc. Nhưng có lẽ, ăn bún cá vào buổi đêm là thú vị nhất. Vào một tối nào đó, ta cùng với vài người bạn, chọn một quán ven đường cạnh dòng sông Kiên để được ngắm sao trời lấp lánh trên sông. Đừng quên gọi thêm tô đầu cá và một ít rượu...

Trời về khuya, phố thị nằm yên, sương đêm nhẹ rơi và gió biển ngoài khơi nồng nàn thổi vào bờ... Ngà ngà say với bạn bè bên tô bún cá, mà thấy cuộc đời đáng yêu biết bao.

* Xửng: Đồ dùng để hấp thức ăn có vỉ đặt ở giữa để thông hơi.
** Nước lèo: Nước trộn đủ gia vị để ăn với bún. (Tự điển Hán Việt, Nhà sách Khai Trí).

Tạp Chí Nấu Ngon.

tieusontrangsi
tieusontrangsi
Members

Tổng số bài gửi : 176
Age : 70
Reputation : 0
Registration date : 07/09/2008

Về Đầu Trang Go down

Gió Đưa Gió Đẩy ... Empty Nem chua, nem nướng miền Trung

Bài gửi by tieusontrangsi 23/6/2009, 11:12

Gió Đưa Gió Đẩy ... Nem_nu10

Nghề làm nem chua thường cha truyền con nối, nuôi heo và làm nem gắn liền với nhau.

Con heo nuôi nặng cả tạ mà khi làm thịt chỉ sử dụng được chừng hơn mươi ký nạc ròng lấy ở hai bắp đùi để làm nem. Có lẽ cách lựa chọn kỹ như vậy cộng thêm kinh nghiệm gia truyền đã làm cho nem chua có hương vị đặc biệt không lẫn vào đâu được.
Cũng từng ấy công thức và nguyên liệu mà nem Thủ Đức - thành phố Hồ Chí Minh, nem chợ Huyện - Bình Định, nem Ninh Hoà - Khánh Hoà đều có cái ngon riêng, mùi vị riêng, không địa phương nào giống địa phương nào.
Cách làm nem khá công phu. Thịt nạc heo lấy về đem bỏ vào cối đá giã liền tay, cho thêm đường, muối vừa đủ, và tiếp tục quết thật nhuyễn mới lấy ra gói nem. Da heo luộc vừa chín tới vớt ra để ráo nước, nạo sạch mỡ, lạng mỏng nhiều lớp, cuộn tròn, cắt nhỏ như những sợi dây gân. Thịt nạc và những sợi dây gân trộn chung, gói bằng lá chùm ruột, lá vông, lá ổi. Nem chua Ninh Hoà gói lá chùm ruột, cũng như nem chua chợ Huyện (Bình Định) gói lá ổi. Lá gói làm cho nem có mùi vị thơm ngon là ở chỗ đó. Tuỳ theo mức độ lên men, chua lâu, mau mà lớp lá chuối bọc ngoài chiếc nem dày hay mỏng, nhưng cũng chỉ dày hai lớp lá đan chéo nhau chữ thập mà thôi. Lá chuối bọc nem thường là chuối hột, chuối sứ. Lá chuối hột xanh hơn, tăng vẻ đẹp cho chiếc nem. Nem cột chữ thập bằng lạt giang, lạt tre theo khối vuông cỡ 4cm, kết thành chùm mười chiếc gọi là xâu (xâu nem) trông hấp dẫn. Những năm gần đây, có lúc hình dáng chiếc nem thay đổi, gói kiểu khối chữ nhật, ràng bằng dây thun trông có vẻ gọn gàng hơn. Nem gói ba ngày thì chua.
Nem chua đã vậy, nem nướng thơm ngon không kém. Nem nướng cũng làm bằng thịt heo nạc, quết thật nhuyễn cho thêm tí mỡ hạt lựu và hương liệu tỏi, đường, muối... vò viên bằng đầu ngón tay. Người bán xiên hoặc kẹp gấp nhiều viên thịt trên chiếc đũa tre đặt trên vỉ than hồng, mỡ nhỏ giọt xèo xèo bốc khói thơm phức. Một lớp rau sống, gồm có: chuối chát, khế, dưa leo, tía tô, húng, diếp cá... trải đều lên chiếc bánh tráng mỏng đã được rẩy nước hoặc lau sơ bằng khăn ướt. Nem nướng chín gỡ ra sắp dài trên rau cuộn tròn chấm với nước tương ăn ngon tuyệt. Nước tương sền sệt có màu vàng ánh mỡ, chế bằng hỗn hợp: thịt nạc băm, đường, mắm, tỏi, ớt, bột, mỡ... gia vị rất khéo. Chính nước chấm đóng vai trò thứ yếu làm tăng khẩu vị. Nem nướng dẫu thơm ngon đến đâu mà nước chấm kém cũng giảm.
Khách du lịch tham quan Nha Trang, Khánh Hoà và Bình Định... ngoài tắm biển và thăm vườn cây ăn quả, các thắng cảnh, di tích lịch sử... còn được ăn các món đặc sản, trong đó có món nem chua, nem nướng đậm đà hương vị khó quên.

Theo tạp chí:.Nấu Ngon
tieusontrangsi
tieusontrangsi
Members

Tổng số bài gửi : 176
Age : 70
Reputation : 0
Registration date : 07/09/2008

Về Đầu Trang Go down

Gió Đưa Gió Đẩy ... Empty Vị Ngon Xứ Dừa

Bài gửi by tieusontrangsi 30/6/2009, 06:24

*Kính tặng thầy cô Đặng Vũ Chính


PNO - Sống ở môi trường sông nước, ở xứ sở dừa mọc thành rừng, người Bến Tre đã sáng tạo nên những món ăn ngon từ nguyên liệu là dừa và các sản phẩm độc đáo có sẵn từ môi trường này. Đây là những món ăn mang giá trị văn hóa đặc sắc, ăn vào máu thịt, truyền đời qua nhiều thế hệ người dân xứ dừa. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ dám giới thiệu ngắn gọn một số kiểu chế biến món ăn ngày thường có phần tiêu biểu cho nền văn hóa ẩm thực đặc biệt của xứ dừa.

1/ Cháo dừa

Với người con Bến Tre lang bạt xa xứ, món cháo dừa luôn là nỗi hoài niệm. Từ thuở quê dừa còn hoang sơ, khi việc đồng áng, vườn tược rỗi rãi, ngồi chuyện vãn sự đời bên ngọn đèn dầu, thưởng thức món cháo dừa với miếng đường thùng vàng thơm mùi mật mía thì thật tuyệt vời.
Cháo được nấu bằng gạo dẻo, hầm nhừ, vắt nước cốt dừa vào và thêm chút muối. Quan trọng là tính toán lượng nước để cháo không quá loãng nhưng phải có độ sánh mới ngon. Cháo dừa phải ăn từ từ để cảm nhận vị béo của dừa, vị ngọt thơm của đường. Lua một miếng cháo, cắn miếng đường kêu lốc cốc, vừa ngon miệng vừa vui tai.Người ăn chay kẻ ăn mặn đều dùng được món cháo này.
Cháo dừa chỉ là món ăn của người bình dân, hầu như không xuất hiện ở những chốn cao sang, nhưng lại là món hễ lâu không được ăn thì nhớ .
Cháo dừa nấu với cá tra cũng được nhiều người chuộng vì bà con miệt vườn vốn sẵn cá tra. Cháo dừa cá tra ăn kèm với bắp chuối (hoa chuối ) bào mỏng, trộn rau thơm xắt nhuyễn, thêm chút giấm chút đường, nuớc mắm ngon, bỏ thêm chút ớt...

2/ Cơm nước dừa

Món này phải chọn dừa xiêm vừa nạo nấu mới ngon. Dừa non hay dừa cứng cạy thì nước không ngọt, không thơm bằng. Chọn gạo dẻo thơm, vo sạch, ráo nước. Dùng quả dừa làm “nồi cơm”. Vạt quả dừa, đổ nước ra, cho gạo vào quả dừa, sau đó đổ nước dừa vào trở lại, tính sao cho vừa nước vừa gạo. Nếu cho nhiều nước, cơm sẽ bị nhão; ít nước cơm không chín. Đem quả dừa chưng cách thủy, không cần xới khi nấu. Ăn cơm dừa phải dùng muỗng nhỏ vì không xới cơm ra chén mà để nguyên trong quả dừa khi ăn. Cơm nóng ăn với tép rang dừa càng ngon, nhai chậm để thưởng thức vị ngọt thơm của nước dừa đã thấm vào hạt cơm. Có thể ví cơm dừa như cách nấu món cơm lam đặc biệt của nhiều vùng dân tộc ít người miền núi ở nước ta.

3/ Cá bống dừa kho sả, nước cốt dừa

Ví dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra
Bậu ra bậu lấy ông câu
Bậu câu cá bống chặt đầu kho khô
Bỏ tiêu, bỏ ớt, bỏ hành
Bỏ ba miếng thịt để dành em ăn
( Ca dao Bến Tre )
Cá bống dừa có rất nhiều ở các mương rạch trong vườn dừa, nhất là những nơi có nhiều dừa nước. Người ta bắt cá bống dừa bằng cách câu hay đặt lọp.

Gió Đưa Gió Đẩy ... Ca_bon10

Cá bống dừa chà sạch vảy, bỏ ruột, ướp muối, nước mắm, đường, nước màu dừa, sả. Sau khi ướp để khoảng 15, 20 phút cho cá thấm gia vị mới đem kho. Để lửa riu riu, thấy cá săn, vắt nước cốt dừa vô, tiếp tục kho đến khi nước cốt dừa sắc xuống, thấm vào cá dậy mùi rất thơm. Rắc thêm tiêu cho thơm, ăn với cải trời luộc hoặc canh bù ngót . Bữa cơm đạm bạc với con cá, mớ rau trong vườn dừa nhưng hương vị đậm đà khó quên.

4/ Tép rang dừa


Tép bạc đất ướp đường, muối rang với nước cốt dừa cho keo lại, ăn với cơm nếp, cơm nóng hoặc cháo trắng - đây là món ăn quen thuộc của người xứ dừa, ăn hoài không chán.

5/ Tép kho sả, nước cốt dừa

Tép bạc hoặc tép bầu cắt đầu, cắt chân, bỏ đuôi, để ráo nước. Dừa cứng cạy gọt bỏ da, xắt mỏng bỏ chung với tép, ướp sả bằm nhuyễn, chút nước màu dừa, ít nuớc mắm, muối vừa ăn, để khoảng 10 - 15 phút cho thấm gia vị. Kho đến khi nồi tép rút cạn, chế thêm nước cốt dừa vào tiếp tục kho cho cạn nước, ăn kèm canh rau hay rau luộc, rau sống đều ngon . Đặc biệt, vị mặn, béo, giòn, ngọt của lát dừa cứng cạy có khi còn ngon hơn tép. Người Bến Tre gọi một cách ví von những miếng dừa kho này là “thịt heo rừng”.

6/ Củ hủ làm dưa, chiên bánh xèo

Khi muốn ăn củ hủ, cứ ra vườn thấy cây dừa nào không phát triển tốt ( thường là cây chưa có trái ) thì chặt bỏ để lấy củ hủ. Củ hủ là phần đọt non của cây dừa, xắt thành sợi thay giá làm nhân, chiên bánh xèo rất thơm và ngọt ( người dân xứ dừa có lệ chiên bánh xèo vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch tức dịp Tết Đoan ngọ). Các bà nội trợ còn làm thành món dưa chua, ăn với cá kho tộ, thịt kho tàu rất ngon. Củ hủ trộn với tôm làm món gỏi (nộm) cũng rất đặc sắc.
Người ăn chay dùng củ hủ chế biến được nhiều món như làm giả món cá thu kho rất ngon và nhìn giống cá thật .

7 / Mắm kho dừa

Người ta thường dùng mắm cá linh hay cá sặc (các loại mắm cá đồng đặc sản của người dân Nam Bộ) để làm món này.
Mắm sống cho vào nồi, chế nước dừa dão nấu sôi cho mắm rã thịt, nhắc xuống, dùng rổ lược bỏ xương cá. Tiếp tục bắc lên bếp, cho tép bạc đất, cá trê hoặc cá lóc, cá rô mề đã cắt thành khứa vào kho cho thấm. (Khi ăn phải có bếp than (hay bếp gas) nhỏ để trên bàn ăn dùng giữ nóng nồi mắm, mắm nguội sẽ mất ngon). Bắt đầu ăn mới tiếp tục cho cà tím, khổ qua đèo, đậu bắp cắt vừa miếng, ớt sừng trâu bẻ đôi vào nồi mắm, chế nước cốt dừa vào để sôi lại, nêm nếm vừa ăn .
Cà, đậu bắp, khổ qua chỉ nấu vừa chín tới, nấu quá chín các loại “bổi” này sẽ mất ngon. Món mắm kho dừa ăn kèm với rất nhiều loại rau như rau dừa, rau nhút, rau ngổ, rau muống chẻ, cải trời, kèo nèo, rau mát, rau đắng, bắp chuối xiêm ( đập dập chẻ đôi, cắt bỏ cùi,vắt chanh cho trắng), ớt hiểm, các loại rau thơm... Loại mắm này có thể ăn với cơm hay bún đều được.



Thu Thảo



Được sửa bởi tieusontrangsi ngày 30/6/2009, 16:08; sửa lần 1.
tieusontrangsi
tieusontrangsi
Members

Tổng số bài gửi : 176
Age : 70
Reputation : 0
Registration date : 07/09/2008

Về Đầu Trang Go down

Gió Đưa Gió Đẩy ... Empty Vị Ngon Xứ Dừa (TT)

Bài gửi by tieusontrangsi 30/6/2009, 06:42

8/ Mắm chưng dừa

Người ta thường chưng bằng mắm cá lóc vì nạc nhiều, ít xương trẻ em dễ ăn nhưng các loại mắm khác như mắm cá linh, cá sặc, cá trèn … đều chưng được.
Mắm cho vào tô, thêm chút gia vị: nước mắm, bột ngọt, hành hoa, nước cốt dừa vào chưng cách thủy. Mắm chín ăn kèm với rau sống, chuối chát, khế, ớt hiểm .Đây là món ăn với cơm nóng rất ngon nhưng phải để ý lừa xương .

9/ Khô cá biển kho nước cốt dừa

Bến Tre có 65km bờ biển nên nguồn lợi hải sản cũng rất phong phú, ở những huyện vùng biển Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại có nhiều loại cá biển mà ngư dân Bến Tre có bài vè kể tên vô số loại cá đến hơn trăm câu. Khô cá biển ngâm nước muối lạt vài muơi phút cho bớt mặn, rửa sạch, để ráo nước, thắng nước cốt dừa đến độ “bồng con” ( nước dừa đã bốc hơi nước vừa sánh lại ), cho khô cá vào chảo nước dừa kho đến khi gần cạn , nhớ trở cá để nước cốt dừa thấm đều, nêm thêm chút đường cho vừa ăn , không mặn hay ngọt quá. Khô kho dừa ăn với cơm nóng, rau luộc hay các loại rau sống đều ngon.

10/ Tương hột kho dừa

Đây là món ăn dành cho cả người ăn chay và ăn mặn, dùng ăn kèm với rau cải trời, rau lang, rau má, rau muống luộc... Món này đạm bạc nhưng rất ngon cơm, đậm đà hương vị quê hương.

11/ Thịt heo kho nuớc dừa

Còn có cách gọi khác là thịt kho tàu. Trước đây, món này thường chỉ nấu trong những ngày giỗ chạp, ngày Tết. Sau này đời sống vật chất nâng cao, thịt kho tàu thành món ăn ngày thường do dễ nấu, dễ ăn, thích hợp với cả người già, trẻ em.
Người ta xắt thịt thành miếng lớn, khoảng 6 -7 phân, dày 2 phân, ướp tỏi bằm nhuyễn, nước mắm ngon, chút đường, nước màu dừa, để khoảng 15 phút cho thịt thấm gia vị. Bắc lên bếp để lửa riu riu cho thịt thấm hết nước ướp. Nước ướp gần cạn mới chặt dừa lấy nước đổ vào nồi, tiếp tục nấu cho đến khi thịt mềm, “rệu” mới đạt yêu cầu. Cũng có thể luộc trứng vịt hoặc trứng cút, lột sạch vỏ, bỏ thêm vào nồi thịt, càng thêm ngon .
Khi ăn múc ra đĩa, dùng dao xắt thành miếng vừa ăn, ăn kèm với dưa cải chua, dưa dừa, dưa giá, rau sống, dưa leo đều ngon. Điểm đặc biệt của món này là dù kho đi kho lại nhiều lần chất lượng vẫn không bị giảm, thậm chí thấm gia vị, thấm nước dừa càng thêm ngon, không bị “cũ” như các món kho khác .

12/ Cua đồng kho sả, nước cốt dừa

Gió Đưa Gió Đẩy ... Image010

Cua đồng có rất nhiều trên đồng ruộng Bến Tre, giàu dinh dưỡng, chế biến được nhiều món ăn ngon như bún riêu cua, canh rau tập tàng cua đồng, cua rang muối và kho sả, kho nước cốt dừa.
Cua làm sạch, ướp sả, ớt bằm nhuyễn, đường, muối, nước mắm, nước màu dừa để 10 - 15 phút cho thấm gia vị. Bắc lên bếp kho cho cua thấm gia vị, chín đều mới đổ thêm nước cốt dừa vào kho tiếp đến khi nước cốt bốc hơi, cạn bớt, vừa sền sệt là được. Món này cũng ăn kèm với các loại rau sống như cải trời, rau muống, rau má, rau om, ngò gai... đều thích hợp, ngon miệng.

13/ Ốc len xào dừa


Gió Đưa Gió Đẩy ... Image011

Ốc len là món ăn dân dã, có thể xào sả ớt, xào me nhưng xào dừa được nhiều người chuộng nhất. Lựa ốc loại mập tròn, môi dày, số lượng khoảng 110 - 130 con/kg mới ngon. Ốc được chặt trôn, rửa kỹ. Phi hành mỡ cho thơm, bỏ ốc vô đảo đều, thêm chút nước cốt dão, chút muối, chút đường, ớt, sả cây (cắt khúc khoảng 10cm) để lấy mùi thơm. Cuối cùng mới cho nước cốt dừa vào nấu. Ốc vừa chín nhắc xuống liền. Thịt ốc ngọt, bùi, quyện với vị béo ngậy của nước cốt dừa, vị cay của ớt và mùi thơm của rau răm hoặc lá cách ... rất hấp dẫn. Món này được chị em đặc biệt ưa thích, thường ăn vào quãng 3 - 5 giờ chiều, là giờ ăn quà vặt của các bà, các cô.

14/ Canh kiểm

Gió Đưa Gió Đẩy ... Image012

Là một loại canh dừa nấu với nhiều loại « bổi » gồm khoai lang, bí đỏ, mít chín, trái sa kê cắt vừa miếng. Trái sa kê có hình quả trứng, to chừng hai ba nắm tay thoạt trông như quả mít non, người phương tây gọi là “cây bánh mì”, được bao bọc bởi lớp vỏ màu xanh có nhiều gai non. Gọt bỏ lớp vỏ này, phía trong là một lớp cơm dầy, ăn có vị ngọt, thơm rất lạ. Mít nghệ tách múi, bỏ hột, chuối xiêm chín bỏ vỏ cắt làm đôi, bột báng + bột khoai ngâm nước cho mềm để khi nấu sẽ mau chín, dừa khô nạo vắt lấy nước cốt để riêng, nước dão đổ vào nồi nấu cùng với khoai, bí, sa kê. Nấu chín tới mới bỏ mít, chuối, bột khoai, bột báng vô sau, nêm chút muối, đường. Cuối cùng đổ nước cốt dừa vào, đun vừa sôi là nhắc xuống. Món này ăn nóng ăn nguội gì cũng ngon. Có thể ăn với bún, cơm nhưng thường khi chỉ ăn vả trong hoặc sau bữa ăn chính để nhấm nháp những loại bổi, húp chất nước canh béo thơm, ngòn ngọt.

Khi ăn, múc “canh” ra chén, rắc đậu phộng rang giã nhỏ lên trên.

Đây là món canh nhưng gần với chè thập cẩm, rất ít đường nên gọi là canh, một món quà quê được người Bến Tre ưa chuộng. Nếu không nấu được món canh kiểm đòi hỏi nhiều nguyên liệu người ta có thể nấu món bí đỏ hầm dừa đơn giản hơn. Cũng nấu như canh kiểm nhưng chỉ gồm bí đỏ, đậu phộng luộc chín, nấm mèo ( mộc nhĩ ) xắt chỉ, nước cốt dừa và đường. Bí hầm mềm, còn nguyên miếng, không để bị nát, nấm giòn, đậu phộng luộc có vị bùi, nước hầm có vị béo của nước cốt dừa, mùi thơm ngon.

Ngoài ra, các loại chè khoai môn, chè bắp, chè chuối, chè thưng (gồm đậu xanh, bột bán, bột khoai, nấm mèo), chè đậu trắng, đậu đỏ, đậu đen ; các loại bánh như bánh bò, bánh cục, bánh chuối, bánh mặn, bánh lọt, kem chuối, chuối xiêm nướng... cũng không thể thiếu nước cốt dừa. Tùy món, có thể trộn chung lúc chế biến, có khi chế vào lúc bắt đầu ăn, cũng có thứ phải làm thành nước chấm ăn kèm.

Qua các món ăn được người Bến Tre chế biến từ nguyên liệu sẵn có trong môi trường sống của, có thể thấy được những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, mang đậm đà bản sắc của địa phương này.

Thu Thảo


tieusontrangsi
tieusontrangsi
Members

Tổng số bài gửi : 176
Age : 70
Reputation : 0
Registration date : 07/09/2008

Về Đầu Trang Go down

Gió Đưa Gió Đẩy ... Empty Hương Quảng

Bài gửi by tieusontrangsi 8/7/2009, 08:19

Đất Quảng quyện với hương gió Lào, với mưa, với nắng đi vào món ăn Quảng, nên mới để thương, để nhớ cho người xa xứ đến thế…



Gió Đưa Gió Đẩy ... Mi_qua10



Bất kỳ người Quảng nào cũng tự hào về món ăn của vùng đất miền Trung đầy nắng và đầy gió này. Người bản xứ hay người xa quê dù có đi đâu, làm gì cũng tự hào khi nhắc về ẩm thực quê mình. Đó có thể là mì Quảng, là bánh tráng cuộn thịt heo, là miếng bánh nổ và bánh tổ ngày Tết cùng hằng hà sa số món độc đáo của người xứ Quảng Nam. Nhưng cứ nhắc đến mảnh đất này, người ta lại nhớ đến mì Quảng như một thứ đặc sản riêng biệt, ấn tượng.

Trong nỗi nhớ của không chỉ riêng tôi, mì Quảng gần như là một nét văn hóa không phải vùng nào cũng có được. Món ăn là cả một sự pha trộn của những gì được coi là gần gũi với người Trung, từ hạt gạo, con tôm, miếng thịt, mớ rau đến nước mắm còn thơm nồng ớt, tuy nguyên liệu quen thuộc với mọi vùng miền nhưng không phải ở đâu cũng làm cho tô mì Quảng đặc trưng như chính người Quảng.

Điều đặc biệt là trong những ngày giỗ chạp hay ngày hội, ngày lễ nào trong năm ở xứ Quảng, thiếu món mì Quảng như là thiếu một điều gì đó khó thể bù đắp được. Cũng đúng khi nhận xét người Quảng sống với mì Quảng, tự hào về mì Quảng. Cái tên mì Quảng không biết có phải xuất xứ từ Quảng Đông, Quảng Tây, Quảng Châu của Trung Quốc theo người dân di cư sang đây hay không nhưng nó đã hiện diện ở vùng đất này từ lâu lắm rồi. Thật ra vùng nào cũng đều có các món chế biến từ bột mì hay bột gạo, nhưng mỗi món có một cách chế biến và cách ăn riêng. Tô mì ở Quảng Nam thì chẳng giống “gu” nào cả, thế nên mới đặc biệt, mới riêng.

Còn nhớ, ngày bé mỗi lúc theo mẹ đi chợ, nhìn mẹ tẩn mẩn lựa chọn từng con tôm đất, từng miếng thịt ba rọi, miếng rau sống… là biết hôm đó nhà mình được ăn mì Quảng. Mẹ tôi làm mì Quảng thì tuyệt, mỗi lúc nhà có đám, có tiệc, một tay mẹ làm món mì cho hàng chục người thưởng thức. Tuy vậy, “tài nghệ” của mẹ vẫn không bằng bà ngoại. Bà ngoại tôi vốn nổi tiếng ở vùng quê là người làm mì Quảng ngon và vừa miệng, chẳng thế mà quán mì Quảng của bà để lại “xao xuyến” cho bao nhiêu thực khách dừng chân. Dường như người phụ nữ nào ở đất Quảng cũng biết nấu mì Quảng, giống như một món gia truyền.

Thưở lên 5, lên 6, tôi vẫn thường thích nhìn bà chế biến từng sợi mì, thật ra thì công đoạn này cũng khá đơn giản, nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế. Gạo được chọn làm sợi mì phải dẻo, thơm, đem vo sạch rồi ngâm trong nước ấm. Sau 30 phút, vớt gạo ra bỏ vào cối đá xay nhuyễn thành bột nước. Tráng bột lên một màng vải căng trên nồi nước lớn đang sôi. Một gáo dừa bột tráng được một lá mì. Những lá mì to, tròn, trắng cứ thế ra lò qua bàn tay và đôi má ửng hồng vì lửa nóng, khói than của mẹ, của bà....

Làm 1 tô mì Quảng ngon phải phụ thuộc nhiều vào nước “nhưn” (nhân) mì, tức nước lèo của tô mì, thường được làm bằng tôm, thịt lợn hoặc thịt gà, có khi được làm từ cá lóc, thịt bò… rất đa dạng, nhưng phổ biến hơn là tôm và thịt gà. Bà tôi cho rằng làm “nhưn” mì phải biết chọn tôm sống, rửa sạch, bỏ đầu, một số con đem giã giập, một số để nguyên con. Thịt ba chỉ xắt mỏng cho vào với tôm ướp gia vị rồi đưa lên bếp xào sơ qua. Thêm vào đó mấy củ hành, đổ vào nồi nấu cùng cà chua, thơm (dứa) để lấy vị thơm, ngọt cho nước lèo. Đối với “nhưn” thịt gà thì cách làm cũng vậy, cũng ướp, cũng bắc lên bếp tô rồi nấu thành nước lèo. Nhưng mỗi loại sẽ có hương vị khác nhau. Nước “nhưn” mì không cần màu mè, không cần nhiều gia vị mà phải trong và có vị ngọt.

Không một người Quảng nào lại không biết lựa chọn rau sống ăn kèm! Mẹ tôi bảo rằng không có vùng nào có rau sống đặc biệt như vùng quê mình, tuy các loại rau đắng, diếp cá, rau húng, rau quế, rau cải, hành, ngò… đều phổ biến ở mọi nơi nhưng rau sống trong tô mì Quảng ngon là nhờ rau ở vùng rau Trà Quế nổi tiếng nằm nơi phía Đông Bắc phố cổ Hội An (gọi là rau sống Phố). Ăn mì Quảng phải ăn kèm rau sống Phố mới đúng “tông”. Chỉ có rau của vùng này mới thể hiện hết nhiều “cung bậc vị giác”: cay, chát, ngọt, đắng… làm tôn thêm hương vị của bát mì Quảng. Ngoài ra, bánh tráng nướng ăn kèm phải đảm bảo độ giòn, vàng ươm và thơm ngát mùi vừng. Trái ớt xanh (ớt hiểm) là nguyên liệu dùng kèm không thể thiếu được trong 1 tô mì Quảng.

Ký ức về món mì Quảng bình dân mà ngon miệng vẫn luôn đi theo những người con xa xứ. Thời gian thay đổi nhiều thứ, nhưng hương vị đặc trưng từ món ăn dân dã này vẫn không thay đổi. Có thể gọi một tô mì Quảng giữa Sài Gòn, giữa Hà Nội nhưng khó có thể tìm đúng hương vị quê nhà như mì ở Quảng Đà xưa và nay.


Nguyệt Viên

tieusontrangsi
tieusontrangsi
Members

Tổng số bài gửi : 176
Age : 70
Reputation : 0
Registration date : 07/09/2008

Về Đầu Trang Go down

Gió Đưa Gió Đẩy ... Empty Muối tôm Tây Ninh

Bài gửi by tieusontrangsi 23/7/2009, 08:17

Gió Đưa Gió Đẩy ... Muoi_t10


Khi nhắc đến ẩm thực Tây Ninh, mọi người sẽ nghĩ ngay đến bánh canh Trảng Bàng, bánh tráng phơi sương...và dĩ nhiên không thể thiếu muối tôm (muối ớt) Tây Ninh - một đặc sản đã được rất nhiều bạn bè trên thế giới biết đến.

Dù Tây Ninh không có biển để làm ra muối, càng không có nguồn hải sản là tôm - một thành phần không thể thiếu trong chảo muối - nhưng muối tôm nơi đây vẫn nổi tiếng là ngon nhất.

Để có một chảo muối ngon phải qua không biết bao nhiêu là khâu chuẩn bị. Người dân chọn những quả ớt tươi nhất, chín đỏ tự nhiên, dùng máy xay sinh tố xay ra cùng với tỏi, củ cải đỏ... rồi trộn đều với muối. Rồi tôm, thịt, bột nêm... tất cả đều tỉ lệ thích hợp, ví như để có 1kg muối ớt thành phẩm cần 500gr muối, cải đỏ, tôm, thịt heo nạc, bột nêm, mỗi thứ 100g, còn ớt và các phụ gia khác nữa phải cho đủ số. Tất cả cùng rang lên nhưng không được dùng màu hóa học thay cho màu tự nhiên, càng không được rang quá khô mà rang vừa thôi để còn phơi nắng mới giữ được mùi thơm lâu.

Đến Tây Ninh, để mua được những phần muối tôm ngon nhất thì bạn phải chú ý. Muối tôm có khá nhiều loại, nhưng muối ngon là loại được làm từ các thành phần như tôm, thịt, tỏi, củ cải đỏ, muối, ớt, bột nêm...Bạn nên vào trung tâm thương mại Long Hoa để có thể mua được loại muối chất lượng nhất. Muối ớt Tây Ninh thường được dùng làm món chấm trên bàn ăn, để ăn trái cây. Ngoài ra, món muối ớt tôm trộn với bánh tráng được cắt nhỏ đã trở thành món ăn chơi rất ngon.

Theo: www.NauNgon.com
tieusontrangsi
tieusontrangsi
Members

Tổng số bài gửi : 176
Age : 70
Reputation : 0
Registration date : 07/09/2008

Về Đầu Trang Go down

Gió Đưa Gió Đẩy ... Empty Nhớ Cua Đồng

Bài gửi by tieusontrangsi 4/8/2009, 17:21

Mùa mưa đến, không khí hạ nhiệt, cây cối tốt tươi. Đây cũng là mùa của những món ăn đặc trưng miền quê khó quên. Những lúc vào mùa này, lòng chợt nao nao nhớ món canh cua đồng. 

Cua đồng, tên gọi nghe mùi đồng ruộng bùn đất, nhưng khi mùa mưa đến lại béo ngon, thịt ngọt, khiến cho món canh ngày hè mẹ nấu vừa thơm ngon lại vừa mát lòng. Trẻ con thành phố thì chẳng khi nào có dịp dang nắng bắt cua, mò ốc như con nít nông thôn. Mà ngày nay, cảnh một đứa bé đen nhẻm đi bắt cua trong trời mưa lâm thâm lại càng hiếm hơn. 

Cua đồng sống trong hang, rải rác trên đồng lúa. Hang cua nằm ven theo chân bờ ruộng, miệng hang tròn, có hang sâu ba, bốn tấc. Mưa xuống, ngay đến những con cua đồng bình thường trời khô thì nhỏ xíu, gặp mùa mưa cũng béo tốt hẳn lên. 

Những con cua đực to hơn (còn gọi là cua càng), màu nâu hay đen sẫm, lúc nào cũng nhăm nhăm giơ cái càng to để cắp bất cứ ai. Cua cái nhỏ hơn, màu vàng xỉn. Vào mùa mưa, cua cái nhiều hơn vì đây là mùa đẻ trứng. 

Thú vui của trẻ con là đội nắng, đội mưa đi bắt cua. Đứa nào tay nghề “xịn” thì chẳng mấy chốc đã nghe tiếng rạo rạo của đám cua đồng ngon béo trong cái giỏ tre đan. 

Tuổi thơ tôi nhớ nhất là những ngày hè mẹ hay đi chợ mua cua. Lúc ấy, cua còn được cột thành một xâu bằng dây chuối, mấy con cua đực hiếu chiến chỉ chực tôi sơ suất là cắp ngay lấy ngón tay, đau điếng. 

Làm cua cũng phải biết cách: cắt dây chuối thả cua vào chậu nước, dùng đũa quậy tròn lũ cua trong chậu cho sạch đất. Ngâm cua trong nước rồi rửa sạch, phải tách mai ra khỏi thân cua, để riêng phần mai để lấy màu cua. Phải cẩn thận và khéo léo cầm ngang mình con cua, nắm chặt mai là “anh chàng” cua đực lúc này chỉ còn giương càng bất lực. 

Khi mua cua, mẹ chọn cua đực vì thịt dai, ngọt, còn cua cái đôi khi bụng đầy trứng hay cua con, được ít thịt hơn. Giã cua cũng phải có kỹ thuật: cầm chày phải hơi chéo, hướng chày ra ngoài để khi giã, thịt cua không bắn vào người. Cho thêm một chút muối khi giã để thịt cua dẻo và ít bắn hơn.

Thành quả của công sức làm cua là nồi canh cua vừa xanh rau, vừa có chút màu vàng của gạch cua được phi với hành, mùi thơm khó tả. Lệ thường người ta hay nấu canh cua rau đay, nhưng tôi lại chỉ thích món canh cua nấu với rau cải xanh non, vị canh vừa ngọt lại vừa hơi nhẫn của cải xanh rất khó quên. 

Cua đồng ngoài nấu canh rau còn có món giấm cua: cua nấu canh, cho thêm chút mẻ cho có vị chua thanh thanh, thích thì thêm cà chua, ăn với bún và rau sống. Món bún riêu cũng tương tự như thế, nhưng với mẹ tôi, nấu giấm cua là đặc trưng của người Bắc. 

Miền Trung thì có món mắm cua, mà xét theo công thức thì món mắm cua tươi cũng gần giống món giấm cua hay riêu cua của miền Bắc. Món ăn dân dã, nhưng cũng đòi hỏi phải đúng vị. Ăn kèm món mắm cua tươi phải là rau chuối, mà phải là thân cây chuối chát chưa trổ buồng mới ngon. 

Ngoài ra, còn có món mắm cua chua, hay đơn giản hơn là món cua rang. Phải lột mai, ngắt chân, bỏ càng, giã thêm gừng tươi, ướp vào chút muối, sau đó phi hành cho thơm rồi đổ cua vào rang. Món ăn vừa thơm, vừa béo, ăn kèm rau sống vườn nhà thì còn gì bằng. 

Ngày nay có biết bao món ngon được chế biến từ cua đồng, nhưng ít ai chịu bỏ thời gian ngồi cặm cụi giã cua, vì ra chợ là đã có ngay cua xay sẵn. Nhưng, nếu chỉ thế thì sau này biết lấy gì mà nhớ, biết lấy gì mà hồi tưởng và lại thấy thèm món canh cua đồng mỗi mùa mưa đến?

Nguyệt Minh

Nhiều người nói món ăn từ cua đồng cũng chỉ là quà quê, nhưng quà quê này lại nặng tình đậm nghĩa…
tieusontrangsi
tieusontrangsi
Members

Tổng số bài gửi : 176
Age : 70
Reputation : 0
Registration date : 07/09/2008

Về Đầu Trang Go down

Gió Đưa Gió Đẩy ... Empty CÁ MÚ ĐỎ CÔN SƠN

Bài gửi by tieusontrangsi 3/9/2009, 15:41

Gió Đưa Gió Đẩy ... Camudo

Hải sản dường như là cả một thế giới riêng thu hút người sành ăn. Trong thế giới đó, cá mú đỏ được xem là một vị hoàng đế nếu tính về độ thơm ngon,ngọt chắc và hương vị tự nhiên của loài cá này

Hải sản mỗi thứ có một mùi vị riêng. Tôm,cua, mực... hấp dẫn dân mê hải sản vì thịt chắc, vị ngọt. Nhưng đối với người sành ăn thì cá mới là "thực phẩm nền" của biển. Thử ăn một con cá mú biển xem, cá thơm ngon, ăn cho đến miếng cuối không hề bị cảm giác ngậy như tôm, cua.

Cá mú luôn là loại cá được ưa chuộng hàng đầu trong các loài cá biển vì thịt trắng, ngọt, dai. Nhưng nếu so với cá mú đỏ thì mú thường phải thua vài bậc, vì mú đỏ cũng có vị như trên, nhưng còn hương thơm và màu da cá đỏ tươi khi hấp chín không có cá nào qua mặt nổi.

Cá mú thường, đã có nơi nuôi được, nhưng mú đỏ thì chỉ có trong thiên nhiên. Mú đỏ sống ở các rặng san hô ngoài đại dương vùng Nha Trang, Côn Sơn. Là loài cá dữ, khỏe chuyên ăn mồi sống nên cá mú đỏ chỉ có thể bắt bằng cách câu mà thôi.

Để câu cá mú, người thợ câu phải dùng mồi sống thì cá mới ăn. Đó là mực sống lớn khoảng gang tay. Dùng một thẻo câu (đoạn dây inox chừng 1 mét) gài lên lưng mực rồi thả nó xuống nước. Theo phản xạ tự nhiên mực sẽ bơi xuống sát đáy biển, tìm đến ẩn mình trong dãy san hô. Lúc này cá mú từ rạn sẽ phóng ra phập con mồi rồi lùi ngay vào rạn. Trong tích tắc,người thợ câu phải giựt mạnh cần, lưỡi câu cắm sâu vào cổ họng con cá tham mồi.Để thoát thân, cá giãy giụa dữ dội, cuộc chiến giữa con người và cá càng trở nên quyết liệt. Sau một hồi quần thảo, cú giựt cần quyết định sẽ hạ gục con cá tội nghiệp

Chắc chắn không có nơi nào ăn hải sản ngon bằng giữa biển khơi, mọi thứ đều còn tinh nguyên hơi hướm của biển. Để giữ trọn vẹn hương vị đại dương, nên dùng thật ít gia vị.

Cá được hấp với một ít gừng, hành hoa,nước tương và phải canh lửa sao cho vừa chín tới thì mới còn đủ mùi vị của cá.Lớp da cá đỏ tươi, béo giòn sừn sựt, sớ thịt dai trắng phau, hương cá thơm lừng càng nhai càng ngọt mà không ngậy. Cá còn được làm gỏi, nấu cháo… món ăn nào cũng không được dùng nhiều gia vị thì mới giữ đúng vị của loại cá này. Cá mú đỏ với hương vị độc đáo quả thực xứng danh là hải sản hàng đầu của biển Côn Sơn từ bấy lâu nay.

Bài và ảnh Quang Tâm
tieusontrangsi
tieusontrangsi
Members

Tổng số bài gửi : 176
Age : 70
Reputation : 0
Registration date : 07/09/2008

Về Đầu Trang Go down

Gió Đưa Gió Đẩy ... Empty Re: Gió Đưa Gió Đẩy ...

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết