DIỄN ĐÀN KỸ THUẬT VIỆT ĐỨC - KIỂU MẪU
CHÀO MỪNG CÁC BẠN TRỞ VỀ MÁI TRƯỜNG XƯA ...

Join the forum, it's quick and easy

DIỄN ĐÀN KỸ THUẬT VIỆT ĐỨC - KIỂU MẪU
CHÀO MỪNG CÁC BẠN TRỞ VỀ MÁI TRƯỜNG XƯA ...
DIỄN ĐÀN KỸ THUẬT VIỆT ĐỨC - KIỂU MẪU
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Bông Hồng Cài Áo

2 posters

Go down

Bông Hồng Cài Áo Empty Bông Hồng Cài Áo

Bài gửi by tieusontrangsi 28/8/2009, 06:10

Mùa Vu Lan Xin Tặng bài hát nầy Cho Những Ai Đang Còn Mẹ.


Nhạc:Phạm Thế Mỹ-Khánh Ly hát

Một bông Hồng cho em
Một bông Hồng cho anh
Và một bông Hồng cho những ai
Cho những ai đang còn Mẹ
Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn
Rủi mai này Mẹ hiền có mất đi
Như đóa hoa không mặt trời
Như trẻ thơ không nụ cười
ngỡ đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm

Mẹ, Mẹ là giòng suối dịu hiền
Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao
Là mắt sáng trăng sao
Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối

Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào
Mẹ, Mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm nương dâu
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời

Rồi một chiều nào đó anh về nhìn Mẹ yêu, nhìn thật lâu
Rồi nói, nói với Mẹ rằng "Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không ?"
-Biết gì ? "Biết là, biết là con thương Mẹ không ?"

Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em
Thì xin anh, thì xin em
Hãy cùng tôi vui sướng đi
tieusontrangsi
tieusontrangsi
Members

Tổng số bài gửi : 176
Age : 70
Reputation : 0
Registration date : 07/09/2008

Về Đầu Trang Go down

Bông Hồng Cài Áo Empty Re: Bông Hồng Cài Áo

Bài gửi by huynhminhthanh 29/8/2009, 08:07

Hello Phạm huynh!
Vậy là tại hạ không nhận được bông hồng của Phạm huynh rồi!
Nhân đây cũng xin dông dài với Phạm huynh và các bạn về chuyện Bông Hồng Cài Áo một chút cho vui!Chúc huynh luôn vui khoẻ!

NGUỒN GỐC THẬT SỰ CỦA NGHI THỨC BÔNG HỒNG CÀI ÁO.
Bài viết của Phạm Lệ Hương.

"Bông Hồng Cài Áo" là một nghi thức
nhuốm màu Phật Giáo, thường được tổ chức trong ngày Lễ Vu Lan ở các ngôi
chùa VN hằng năm để tưởng nhớ những bà mẹ đã khuất và vinh danh những bà
mẹ còn tại thế với con cháu. Trong nghi thức đó, các em Phật Tử, với hai giỏ
hoa hồng (roses), màu đỏ & màu trắng, sẽ đến cài hoa lên áo từng người dự
lễ. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo và anh sẽ tự
hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được nhận một bông hoa trắng trên
ngực áo. Đây là 1 nghi thức thật dễ thương, nhiều ý nghĩa và rất hữu hiệu trong
việc giáo dục đại chúng về lòng hiếu thảo và tình người. Nghi thức đó được giới
thiệu đến người Việt từ cuốn sách "Bông Hồng Cài Áo" của Thiền Sư
Nhất Hạnh được viết vào tháng 8, 1962 và sau đó, được dân chúng biết đến nhiều
hơn nữa nhờ bản nhạc cùng tên cùa nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ. Tính đến nay, người Việt
mình đã biết đến và đã theo nghi thức này được hơn 40 năm. Hỏi tại sao và
từ đâu có "Bông Hồng Cài Áo", nhiều người quả quyết không ngập
ngừng rằng đó là 1 nghi thức được phỏng theo một phong-tục của người Nhật theo
đó, các em học sinh sẽ ra đường, không phải trong khuôn viên các ngôi chùa,
trong ngày lễ mẹ để gắn hoa hồng (roses) cho những người qua lại.

Sự thật không đúng, như vậy. Nghi thức này không bắt
nguồn từ nước Nhật và loại hoa được ưa chuộng để dành cho mẹ không phải là hoa
hồng.

Hiểu lầm

Trước hết là chuyện "tác quyền". Nhật không
phải là "tác giả" của phong tục này, họ chỉ bắt chước người khác và,
nói cho ngay, họ cũng không thực hành nghi thức này nhiều như mình nghĩ. Việc
gắn hoa trong ngày lễ mẹ không phổ thông lắm tại Nhật. Họ chỉ có 2 tập
tục hơi hơi giống “Bông Hồng Cài Áo” của mình. Đó là tục gắn lông gà để quyên
tiền và tục tặng hoa cẩm chướng cho mẹ trong ngày lễ mẹ.

Tục gắn lông gà mới có khoảng 50 năm nay. Mỗi năm, từ
1/10 đến cuối tháng 12 , Tokyoto Kyodo Bokinkai (Đông Kinh Đô Cộng Đồng
Mộ Kim Hội) thành lập từ năm 1946, có tổ chức văn nghệ tại nhiều nơi trên toàn
nước Nhật để lạc quyên cho cơ quan Hồng Thập Tự Nhật (Nhật Bản Xích Thập Tự).
Các em học sinh, sinh viên mang thùng đến từng người xin tiền quyên góp. Ai
tặng tiền thì được các em gắn lên áo một lông gà nhuộm màu đỏ, vừa là 1 cách
cám ơn người tặng tiền, vừa là 1 cách nhắc nhở khéo những người chưa có lông gà
đỏ và cũng là 1 dấu hiệu cho biết người nào đã góp tiền, nguơì nào chưa để các
em học sinh khác không làm phiền người đã quyên góp. Ngoài ra, Bộ Nông Lâm Thủy
Sản Nhật Bản hằng năm cũng tổ chức cũng quyên tiền để bảo vệ môi sinh. Người
nào đã bỏ tiền vào thùng sẽ được gắn 1 chiếc lông gà nhuộm màu xanh lá
cây. Nếu màu đỏ của hình chữ thập tượng trưng cho gíup máu cứu giúp ngưòi
bị thương thì màu xanh lá cây được nhìn như một biểu tượng bảo vệ môi trường
thiên nhiên.

Tục tặng hoa cẩm chướng cho mẹ cũng chỉ mới có tại xứ
Phù Tang từ sau thế chiến. Bắt chước người, Nhật cũng lấy ngày Chủ nhật
thứ hai trong tháng 5 là ngày Mother's Day . Trong ngày này, con cái
thường tặng mẹ hoa cẩm chướng đỏ (carnation) và những món quà nho nhỏ để bày tỏ
lòng kính yêu mẹ. Hoa này tặng Mẹ chứ không phải tặng con và là hoa cẩm chướng
chứ không phải hoa hồng. Phong tục này cũng mới theo tây phương, nói
trắng ra là theo Mỹ, khoảng vài chục năm nay.

West Virginia, Hoa Kỳ: cái nôi của “Bông Hồng Cài Áo”

Đúng vậy, phong tục này khởi đầu từ thành phố Grafton,
West Virginia vào ngày 09 tháng 05, 1907 và người đầu tiên lấy hoa cẩm chường
đỏ và trắng để vinh danh các bà mẹ là cô Anna Jarvis mất trước đó 2 năm. Cô là
người bỏ cả đời ra để vận động cho 1 ngày lễ mẹ trên toàn quốc Hoa Kỳ để vinh
danh các bà mẹ, trong đó có thân mẫu của cô đã tận tụy nuôi 11 người con. Hôm
đó là ngày chủ nhật mồng 9 tháng 5, Anna đã tổ chức 1 ngày Mother's Day trong
nhà thờ nhỏ tại Grafton. Khi đó, Mother's day chưa được chấp thuận là national
holiday. Anna Jarvia dùng cẩm chướng trong buổi lễ này chỉ vì thân mẫu của cô
lúc sinh tiền thích hoa này. Buổi lễ vừa là cầu hồn cho mẹ Anna và những bà mẹ
trong họ đạo đã khuất, vừa là cầu an cho những bà mẹ còn sống. Anna Jarvis đã
lấy hoa cẩm chướng màu đỏ biểu trưng cho những bà mẹ còn sống và hoa cẩm chướng
màu trắng, cho những bà mẹ đã khuất. (1)

Như vậy, chính thành phố Grafton, W Virginia, không
phải Nhật Bản, là cái nôi của phong tục hoa đỏ, hoa trắng cho mẹ hiền.

Về sau, khi phong tục "Bông Hồng Cài Áo" qua
đến Việt Nam, hoa cẩm chướng lại bị hiểu lầm thành hoa hồng và Nhật Bản được
nghĩ lầm là nguồn gốc của phong tục.

Tại sao lại có chuyện hiểu sai đi như vậy? Có
phải sai lầm từ tác giả Nhất Hạnh hay là từ nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ? Không phải.
Trong cuốn sách do An Tiêm xuất bản, thiền sư Nhất Hạnh không hề có 1 lời
nào nói rằng phong tục này là của người Nhật. Tác giả chỉ kể rằng ông biết được
phong tục đó là do sự giải thích của cố Thượng Tọa Thiên Ân nhân dịp tác giả
được một cô sinh viên Nhật, bạn của TT Thiên Ân, cài hoa cẩm chướng trắng cho
thầy tại 1 tiệm sách trong khu thương mại Ginza ở Tokyo. Đọc lại thật kỹ đoạn
văn kể lại chuyện này, ta thấy chữ Tây Phương được nói đến 2 lần, ý nói đây là
1 phong tục của Tây Phương. Không có 1 lời nào nói đó là phong tục của người
Nhật. Đoạn văn cũng nói rõ là hoa cẩm chướng, không thể nào lầm lẫn với hoa
hồng (roses) (2). Chuyện hiểu lầm không phải từ cuốn sách của thày Nhất Hạnh.
Thế còn nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ? Trong bài hát "Bông Hồng Cài Áo" nhạc sỹ
tuy không dùng chữ hoa cẩm chướng nhưng có dùng chữ "đoá hoa màu
hồng" để nói về bông hoa cho mẹ(3). Viết "hoa màu hồng" như vậy
là nhạc sỹ muốn nói đến 1 loại hoa nào đó, có thể là rose và cũng có thể là bất
kỳ loại hoa nào khác, miễn sao có màu hồng là được. Nếu muốn chỉ rose, người VN
chỉ cần dùng chữ hoa hồng hay đóa hoa hồng là đủ (4), không cần thêm chữ màu.
Thừa..

Chuyện hiểu lầm, như vậy, cũng không phải từ bài hát
của Phạm Thế Mỹ.

Thiền sư Nhất Hạnh, vốn du học bên Mỹ, kể chuyện thăm
viếng Nhật, được người Nhật gắn hoa, được nghe Thầy Thiên Ân, vốn du học bên
Nhật, giải thích về phong tục cài hoa, ai cũng đinh ninh là thiền sư Nhất Hạnh
kể về phong tục bên Nhật, chẳng dè hai vị tu sỹ, tuy gặp nhau giữa lòng Tokyo,
nhưng lại nói chuyện về phong tục bên... Mỹ. Sai lầm là từ chỗ đó.

Nhận ra chỗ hiểu lầm rồi, có nên thay đổi chi trong
nghi thức"Bông Hồng Cài Áo"? Thậtra, nghi thức này bắt nguồn từ
đâu thì chỉ những ai muốn tìm hiểu đến nơi, đến chốn thôi mới đặt thành vấn đề.
Với đại chúng, chuyện này không quan trọng. Phong tục đó khởi đầu từ đâu mà có,
thây kệ nó, miễn sao mình báo hiếu cho mẹ là được rồi. Tuy nhiên, với tinh thần
tôn trọng sự thật, sau khi đã tìm ra chỗ hiểu lầm, nếu có ai hỏi người Việt
mình tìm đâu mà có được 1 nghi thức đầy ý nghĩ như vậy, thì mình phải thẳng
thắn loại bỏ cái anh Nhật Bản ra ngoài và nhẹ nhàng đưa cái nhà thờ Hoa Kỳ vào
thay chỗ "tác giả" của nghi thức "Bông Hồng Cài Áo"

Việc thứ hai là kể từ nay, nên dùng hoa nào trong nghi
thức "Bông Hồng Cài Áo", hoa hồng hay hoa cẩm chướng. Đối với người
Việt, hoa hồng tượng trưng cho tình thương và lòng biết ơn. Lại nữa, người Việt
mình không ai lại không biết hoa hồng. Còn hoa cẩm chướng? Có người chỉ nghe
tên mà không biết đó là hoa gì. Ngược lại, cẩm chướng rất phổ thông bên Tây
phương. Theo truyền thuyết Ki tô giáo, hoa cẩm chướng sanh ra từ những giọt
nước mắt của Đức mẹ Maria lúc bà theo chân Chúa Jesus trên đoạn đưòng vác thánh
giá. Vì vậy, hoa cẩm chướng tượng trưng cho tình yêu bất tử của người mẹ (5).

Nói cho cùng thì ý nghĩa nào cũng chỉ là do con người
gán cho hoa. Khi chưa có loài người thì hoa cũng chỉ là hoa, có ý nghĩa chi
đâu. Hoa nào cũng chỉ là biểu tượng, miễn sao nói lên được cái ý nghĩa mà mọi
người muốn nhìn thấy ở biểu tượng ấy. Vậy thôi. Tiếp tục dùng hoa hồng hay thay
thế hồng bằng hoa cẩm chướng hoặc ngay cả đi tìm 1 biểu tượng khác cũng không
quan trọng, miễn sao có sự đồng thuận của mọi người.

Ăn thua là ở
cái lòng, không phải ở hoa này, hoa nọ.

Với tâm thành, đóa hoa dại ngắt vội bên đường cũng
đáng trân trọng.
Không có tấm lòng, vương giả chi hoa như lan, như huệ
cũng vất đi.
_______________________________________________
(1) "She passed out more than 500 carnations, one for each mother in the congregation.
She chose carnations because they were her mother's favorite flowers; the white
carnation was her most favorite because it represented the purity of a mother's
heart. A white carnation was to be worn to honor deceased mothers,
and a red one to honor a living mother.

(2)
Thích Nhất Hạnh,"Bông Hồng Cài Áo", An Tiêm xuất bản

"Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's Day), ngày chúa
nhật thứ nhì của tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi
đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy
người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy
Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong xắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài
vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng
không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ
nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết
đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông
hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ
được cài trên áo một bông hoa trắng. "

(3) Phạm ThếMỹ, "Bông Hồng Cài Áo",
"Đoá hoamàu hồng vừa cài lên tóc đó anh"
TrịnhCông Sơn, Lời buồn thánh,
(4) "Đoáhoa hồng cài lên tóc ai, Ôi đường phố dài, lời ru miệt mài..."
(5) Theo tu điển bách khoa online Wikipedia

According to Christian legend, carnations first appeared on Earth as Jesus carried the
Cross The Virgin Mary shed tears at Jesus' plight, and carnations sprang
up from where her tears fell.

<http://en.wikipedia.org/wiki/Blessed_Virgin_Mary>


phanchautrinhdanang.com

huynhminhthanh
Members

Tổng số bài gửi : 918
Age : 69
Reputation : -1
Registration date : 26/02/2008

Về Đầu Trang Go down

Bông Hồng Cài Áo Empty Re: Bông Hồng Cài Áo

Bài gửi by tieusontrangsi 29/8/2009, 11:43

Thú vị thật! Rolling Eyes Cám ơn bằng hữu Laughing Laughing Laughing
Tiện đây cũng xin được giới thiệu nguyên văn truyện BÔNG HỒNG CÀI ÁO của thấy Thích Nhất Hạnh cho các bạn cùng đọc và suy ngẫm.

BÔNG HỒNG CÀI ÁO
Nhất Hạnh

Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì
cũng không "lớn" lên được. Cằn cỗi , héo mòn. Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký: Tai nạn lớn nhất đã xẩy ra cho tôi rồi! Lớn đến mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng
không hơn gì trẻ mồ côi. Những bài hát, bài thơ ca tụng tình mẹ bài nào cũng dễ, cũng hay. Người viết dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngay từ thuở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ. Những bài hát ca ngợi tình mẹ đâu cũng có, thời nào cũng
có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị.Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài thơ ấy thì sợ sệt, lo âu.... sợ sệt lo âu một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chưa chắc chắn phải đến :


Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời !
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi...

Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời.

Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt nam không ưa cách nói cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách vừa giản dị vừa đúng mức :

Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.

Ngon biết bao !Những lúc miệng vừa đắng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không
có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lên ngực cho ta, đặt bàn tay (Bàn tay ? hay là tơ trời đâu la miên ?) trên trán nóng ta và than thở "khổ chưa, con tôi ", ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, dịu như xôi nếp một, và đậm đà lịm cả cổ họng như đường mía lau. Tình mẹ thì trường cửu,bất tuyệt; như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy không bao giờ cùng tận.


Công cha như núi Thái sơn,
nghĩa mẹ như nước trong nguồn chẩy ra .

Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm yêu thương. Mẹ là giáo sư dạy về yêu thương, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu.
Nhờ mẹ mà tôi được biết tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý thương yêu của tôn giáo vốn dạy về tình thương.


Đạo Phật có đức Quan Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy
tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền làm tiêu tan khổ đau lo âu.
Đạo Chúa có đức Mẹ, thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có thánh mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ Mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương tín ngưỡng và hành động thì không xa chi mấy bước.


Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ ( Mother's Day ) mồng mười tháng năm. Tôi
nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu
Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi,cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong,chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ,
theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.


Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc
than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mìnhcó thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.


Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cáchoan uổng. Mẹ là một món qùa lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: "trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!".Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà.Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất mình có cảm nghĩ: "Thật như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ!"

Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang còn sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: " Mẹ ơi, mẹ có biết không ?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi em, vừa hỏi vừa cười "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ,vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói: "Mẹ có biết là con thương mẹ không ?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi ngừơi cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng.

Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Kiền Liên và về sự hiếu đễ. Công cha,nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương Tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương hiếu chỉ là giả tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận.

Thương mẹ là mộtcái gì rất tự nhiên. Như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ, thì đó không phải là mẹ là con. Đó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa thầy giáo hỏi rằng: "Con mà thương mẹ thì phải làm thế nào?" Tôi trả lời: "Vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi". Bây giờ thì tôi biết rằng: Con thương mẹ thì không phải "làm thế nào" gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi " làm thế nào " nữa!


Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt hại cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị biết mà thôi. Để mai này anh chị đừng có than thở rằng: Đời ta không còn gì cả.Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ.



tieusontrangsi
tieusontrangsi
Members

Tổng số bài gửi : 176
Age : 70
Reputation : 0
Registration date : 07/09/2008

Về Đầu Trang Go down

Bông Hồng Cài Áo Empty Bông Hồng Cài Áo (TT)

Bài gửi by tieusontrangsi 29/8/2009, 11:46

Tôi kể chuyện này, anh đừng nói tôi khờ dại. Đáng nhẽ chị tôi không đi lấy chồng, và tôi, tôi không nên đi tu mới phải.Chúng tôi bỏ mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu, người thì đi theo lý tưởng đạo đức mình say mê và tôn thờ. Ngày chị tôi đi lấy chồng, mẹ tôi lo lắng lăng xăng, không tỏ vẻ buồn bã chi.

Nhưng đến khi chúng tôi ăn cơm trong phòng, ăn qua loa để đợi giờ rước dâu, thì mẹ tôi không nuốt được miếng nào. Mẹ nói: "Mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình,bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi thì nó sẽ đi ăn ở một nhà khác". Chị tôi gục đầu xuống mâm khóc. Chị nói: "Thôi con không lấy chồng nữa".Nhưng rốt cuộc thì chị cũng đi lấy chồng. Còn tôi thì bỏ mẹ mà đi tu. "Cắt ái từ sở thân" là lời khen ngợi người có chí xuất gia.
Tôi không tự hào chi về lời khen đó cả. Tôi thương mẹ, nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy phải xa mẹ.Thiệt thòi cho tôi, có thế thôi. Ở trên đời, có nhiều khi ta phải chọn lựa. Mà không có sự chọn lựa nào mà không khổ đau.
Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn làm người nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng qúi báu
đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi cầu nguyện cho mẹ. Nhưng tôi không được ăn chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau.


Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: "Không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ!". Tôi đã nói là tôi không khuyên răn gì hết -- tôi không giảng luân lý đạo đức -- rồi mà! Tôi chỉ nhắc anh: "Mẹ là chuối, là xôi, là đường,là mật, là ngọt ngào, là tình thương".Để chị đừng quên, để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn : Cũng không phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo anh một bông hoa hồng: để anh sung sướng, thế thôi.

Nếu có khuyên,thì tôi sẽ khuyên anh, như thế này. Chiều nay, khi đi học hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu,thật kỹ, để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh.Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: "Mẹ ơi, mẹ có biết không?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi:"Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ,giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: "Mẹ có biết là con thương mẹ không?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng hỏi một câu ấy.Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Và ngày mai mất mẹ, Anh sẽ không hối hận, đau lòng , tiếc rằng anh không có mẹ.

Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa mầu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó.Anh hãy sung sướng đi.


Nhất Hạnh
(1962)
tieusontrangsi
tieusontrangsi
Members

Tổng số bài gửi : 176
Age : 70
Reputation : 0
Registration date : 07/09/2008

Về Đầu Trang Go down

Bông Hồng Cài Áo Empty MẸ TÔI

Bài gửi by huynhminhthanh 1/9/2009, 08:09

Bông Hồng Cài Áo MeToi_DHN-1

Sáng tác: Nhị Hà
Trình bày: Như Quỳnh

Mẹ tôi tóc xanh nhuộm bạc tháng ngày
Mẹ tôi đau buồn nặng trĩu đôi vai
Bao năm nuôi đàn trẻ thơ nhỏ dại
Cầu mong con mình có một ngày mai

Mẹ tôi nắng mưa chẳng ngại nhọc nhằn
Mẹ tôi mỉm cười nhìn bóng con ngoan
Không than không phiền dù lâm hoạn nạn
Lòng tin con mình xứng thành người dân

Chiều chiều, bên liếp lều tranh
Mẹ tôi đứng đợi đàn con
Trước gió tóc trắng loa xòa
Đôi mắt dịu hiền như bể tình thương

Lòng người mong ước ngày sau
Đàn con xứng thành người dân
Nhưng nay con đã nên người
Thì nay còn đâu bà mẹ hiền xưa

Chiều nay đốt hương tưởng niệm trước mồ
Nhìn khói đau lòng tưởng nhớ năm xưa
Công ơn sinh thành ngày nao đền trả
Mẹ ơi con nguyền nhớ lời mẹ khuyên



huynhminhthanh
Members

Tổng số bài gửi : 918
Age : 69
Reputation : -1
Registration date : 26/02/2008

Về Đầu Trang Go down

Bông Hồng Cài Áo Empty Re: Bông Hồng Cài Áo

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết